Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kon Tum nói gì về Siêu thị Co.opmart Kon Tum thuê đất không qua đấu giá?
Nhiệt Băng - 20/10/2023 14:04
 
Tỉnh Kon Tum đang xác định lại giá đất của Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh Kon Tum vừa trả lời cử tri về việc UBND tỉnh cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) thuê đất 50 năm để làm Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum không tổ chức đấu giá công khai có trái với quy định của nhà nước hay không và kết quả xử lý.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư.

Kon Tum thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum được xem xét miễn tiền thuê đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 và hướng dẫn tại khoản 2, điểm d khoản 3 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM đã quyết định đầu tư xây dựng siêu thị tại tỉnh Kon Tum và được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất khi thực hiện Dự án xây dựng Siêu thị Co.opmart theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013, được thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013.

Việc cho Hợp tác xã Thương mại TP.HCM thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đã được Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn tại Công văn số 1198/TCQLĐĐ-CQHĐĐ ngày 7/7/2016 và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tại Công văn số 3143/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 1/8/2016. Ngoài 2 văn bản trên, tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho tỉnh Tây Ninh tại Văn bản số 4131/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 25/9/2014.

Như vậy, việc cho thuê đất thực hiện Dự án Siêu thị co.opmart được xem xét áp dụng theo quy định về ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và thuộc trường hợp quy định chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện được quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2023/NĐCP ngày 3/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai, quy định: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai thì được tiếp tục thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất”.

Tại Kết luận thanh tra số 1595/KL-TTCP ngày 14/9/2022 của Thanh tra Chính phủ đã kết luận đối với Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum, UBND tỉnh chỉ đạo xác định lại giá đất, tiền phạt chậm nộp theo thẩm quyền, yêu cầu chủ đầu tư nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất đối với diện tích 8.653,7 m2 được thuê để thực hiện dự án, không làm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 1122/UBND-NNTN ngày 17/4/2023 và Thông báo số 3373/TB-VP ngày 12/6/2023 giao Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị tư vấn để xác định lại giá đất dự án.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp đồng với đơn vị tư vấn có chức năng để thực hiện.

Theo Thanh tra Chính phủ, đây là dự án đầu tư sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, do đó cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt của tỉnh, thế nhưng, tỉnh Kon Tum không thực hiện, đồng nghĩa với việc làm trái với Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất, mà không sắp xếp, xử lý tài sản công.

Điều này dẫn đến việc làm không đúng với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

Thực tế, khu đất nói trên là một thửa đất liền thửa, nhưng được tách làm 2 phần cho thuê 2 lần. Trong khi chưa có quyết định đơn giá đất cụ thể cho phần diện tích lần đầu (hơn 5.400 m2), thì ngày 2/8/2017, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 2076/UBND-HTKT thống nhất cho thuê thêm phần còn lại với diện tích hơn 3.200 m2, nhưng không chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất, làm tăng chi phí xác định giá đất cụ thể thành 2 lần, dẫn đến có thể chưa xác định hết giá trị lợi thế thương mại của thửa đất vốn dĩ có 3 mặt tiền.

Riêng đối với phần diện tích hơn 3.200 m2, UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể khi Chứng thư thẩm định giá đất đã hết hiệu lực là vi phạm Luật Giá số 11/2012/QH13 và Tiêu chuẩn thẩm định giá số 06 kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ còn cho biết, khi Dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư không đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng mà có Văn bản số 2752 ngày 26/12/2019 với nội dung đề xuất triển khai hoạt động kinh doanh trên phần diện tích khu đất vui chơi trẻ em, công viên cây xanh là đề xuất sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai 2013.

Chưa hết, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản 1009 ngày 27/4/2020 gửi Cục thuế tỉnh đề nghị tính tiền thuế đất theo Quyết định số 670 ngày 1/7/2019 của UBND tỉnh khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh là vượt thẩm quyền.

“Kiểm tra hiện trạng cho thấy, chủ đầu tư đã lát nền bê tông toàn bộ, làm bãi để ô tô không có mái che, xây dựng nhà xe để xe có mái che và dãy ki ốt cho thuê mặt góc đường Lê Hồng Phong - Bà Triệu, nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng”, Thanh tra Chính phủ đánh giá.

Đồng thời, việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính của dự án này là thiếu trách nhiệm, có nguy cơ làm thất thu ngân sách, đã để doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuê đất phải nộp trong khoảng 15 tháng, với số tiền là 68.326,321 triệu đồng, cần phải xử lý kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc.

Theo giải trình của UBND tỉnh với Thanh tra Chính phủ, năm 2015, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Kon Tum ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, lĩnh vực siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư và người dân có nhu cầu, nên khi Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM đề xuất đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án với lĩnh vực mà địa phương đang cần.

Tỉnh không sắp xếp, xử lý tài sản công, nhưng đã tổ chức xác định giá trị còn lại đảm bảo theo quy định, nhà đầu tư đã bồi thường tài sản trên đất trước khi xây dựng.

Xét thực tế Dự án Siêu thị Co.opmart Kon Tum đã đi vào hoạt động, nên Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh rà soát lại việc thực hiện Dự án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo lại giá đất, tiền phạt chậm nộp, theo thẩm quyền, yêu cầu chủ đầu tư nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất đối với diện tích gần 8.700 m2 được thuê để thực hiện Dự án, không làm thất thu ngân sách nhà nước; xử lý theo quy định những vấn đề phát sinh do không sắp xếp xử lý nhà đất công và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Kon Tum sẽ thanh tra các doanh nghiệp “ngâm” đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Các trường hợp không hoặc chậm đưa đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào sử dụng ở Kon Tum sẽ bị kiểm tra, thanh tra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư