Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kỳ 3: Giữa biển Đông, học Bác thế trận lòng dân
Phí Trọng Hiếu - 19/05/2014 06:48
 
() Chiến tranh nhân dân là một “đặc sản” suốt chiều dài lịch sử giữ nước, người Việt đã cho nhiều “vị khách không mời” nếm trải.
TIN LIÊN QUAN
XEM LOẠT BÀI "BIỂN ĐÔNG, NHỮNG NGÀY THÁNG NĂM":
Kỳ 2: Chim Sơn Ca vẫn hát
Kỳ 1: Cảm hứng chủ quyền

Kỳ 3: Những người lính không quân hàm

Chiến tranh nhân dân là một “đặc sản” suốt chiều dài lịch sử giữ nước, người Việt đã cho nhiều “vị khách không mời” nếm trải.

  Giữa biển Đông, học Bác thế trận lòng dân  
  Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (Lễ chào cờ trên đảo Nam Yết sáng mùng 5/5/2014). Ảnh: Trọng Hiếu  

Từ kế sách “Ngụ binh ư nông” mà vua tôi nhà Trần sử dụng để ba lần khuất phục vó ngựa Nguyên Mông, đến tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi… Cuộc chiến nào dựa được vào dân - “chúng chí thành thành”, nơi nào có dân là giặc bị đánh, người Việt đều giành chiến thắng.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng chiến tranh nhân dân đã được phát triển lên tầm vóc nghệ thuật quân sự, mà theo nhiều sử gia, tác động của nó còn ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến nghệ thuật quân sự thế giới trong thế kỷ XXI.

Còn nhớ, trên số Báo Cứu quốc ngày 20/9/1946, Bác từng viết: “Trước kia, chỉ có quân đội đánh nhau ở tiền tuyến và trên mặt đất hay trên mặt nước, nên người ta gọi là bình diện chiến tranh. Ngày nay, đánh nhau ở cả trên không và cả ở tiền tuyến, cũng như ở hậu phương, nên người ta gọi là lập thể chiến tranh. Trước kia, chỉ đánh nhau về mặt quân sự, ngày nay, đánh nhau về đủ mọi mặt: quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng, nên người ta gọi là toàn diện chiến tranh. Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể thắng lợi được”.

Lịch sử giữ nước của chúng ta luôn phải chống chọi với những kẻ địch mạnh hơn. Nhưng nó cũng luôn chứng minh rằng, cho dù tiềm lực quân sự và kinh tế của đối phương lớn đến đâu, thì vẫn không bao giờ đủ lớn để đánh bại một dân tộc đoàn kết. Ở biển Đông những ngày này, tôi như luôn thấy ấm lòng hơn vì thế trận lòng dân ấy cụ thể mà thiêng liêng lắm.

Nếu có dịp hãy đi một chuyến, có thể ra Trường Sa, ra các nhà giàn, có thể đến với những cây đèn biển ngày đêm tỏa sáng hay là đi cùng ngư dân một chuyến xa bờ, các bạn cũng sẽ như tôi, sẽ thêm tự tin khi cất cao Khúc quân ca Trường Sa “biển này là của ta, đảo này là của ta”!

Chuyện từ những cây đèn biển…

Vương Hưng, Trạm phó Trạm hải đăng đảo Đá Tây B là người mặn chuyện. Sáng mùng 8/5, khi xuồng cập đảo, Hưng khiến tôi chú ý khi anh là người duy nhất mặc đồ dân sự đứng trong hàng lính đảo chờ đón. Lính hải quân, nói như Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng, dù thế nào cũng luôn phải là những quý ông. Chỉ một chiếc mũ hơi lệch, một động tác chào chưa đúng cũng được thủ trưởng nhắc nhở và tự tay uốn nắn…

Thấy tôi thắc mắc, Hưng cười, chỉ sang phía đối diện: “Bọn em là nhân viên trạm hải đăng bên kia. Hôm nay, lính đảo có khách, nên sang hỗ trợ và cũng để gặp gỡ, chuyện trò với các anh chị cho đỡ nhớ nhà…”.

Trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông, Trạm Hải đăng Đá Tây B của Hưng có 5 anh em. Trạm trưởng Ngô Văn Chung 50 tuổi, đã có tròn 20 năm gác đèn biển ở Trường Sa và như anh nói, sẽ ở đây đến khi nghỉ hưu. Anh cho biết, khu vực Trường Sa có 9 ngọn hải đăng, mà Đá Tây B là một trong số đó. “Lính đảo thì xác định, còn mình còn đảo, bọn tôi cũng coi ánh sáng ngọn hải đăng quý như mạng sống của mình và sẵn sàng chiến đấu vì điều đó”, Ngô Văn Chung bảo. 

Ngồi bên cạnh tôi, Hưng nói chuyện mà rơm rớm nước mắt: “Bọn em dẫu vất vả, nhưng bây giờ tàu ra tàu vào, rồi thông tin liên lạc cũng đỡ hơn nhiều, chứ các bác đi trước cực lắm, anh ạ.

Em kể anh nghe chuyện về bác Hạnh, nhân viên Trạm Tiên Nữ, hiện đã nghỉ hưu. Thời bác ấy công tác, đi về khó khăn, bố mẹ đẻ mất đều không về được. Rồi 2 cô con gái của bác ấy cưới, đã định về nhưng đúng vào ngày biển động, nên lại lỡ ngày vui của con…”.

Quê Thạch Thất, Hà Nội, năm nay đã 36 tuổi, nhưng khi hỏi đến chuyện vợ con, Hưng chỉ cười: “Bọn em phải chọn kỹ lắm anh, chả phải chọn học thức hay nhan sắc, mà chỉ chọn cô nào chịu được khổ khi gắn bó với mình thôi!”.

“Mà chả phải riêng em, dân nhà đèn nhiều người muộn vợ lắm. Như cu Nghĩa này cuối năm nay nghỉ phép dài, không chọn vợ nhanh, thì cũng ế thôi”, Hưng trêu cậu em ngồi bên cạnh và cho biết, đó là Đoàn Trọng Nghĩa, em út ở Trạm, nhưng cũng có 3 năm gia nhập Công ty Biển Đông và ra Đá Tây B đã 10 tháng.

Phải nói, Nghĩa rất đẹp trai. Nhìn cậu còn trẻ lắm, nắng gió biển khơi khiến nét thư sinh, hào hoa thêm đôi phần lãng tử. Nhưng trò chuyện thì già dặn hơn tuổi rất nhiều. Nghĩa bảo: “Bọn em ra đây thiếu thốn nhiều thứ, nhưng thiếu nhất là tình cảm. Tuy thuộc biên chế dân sự, nhưng với anh em lính đảo, thì như người một nhà. Như Tết vừa rồi, anh em ăn Tết chung, nghe chung một cuộc điện thoại từ gia đình, rồi ôm nhau khóc vì nhớ nhà quá anh ạ…”.

Tôi hiểu chứ Nghĩa, phải có một tình yêu biển đảo lớn lắm, thì những người như các bạn mới có thể gắn bó với nơi đây mấy chục năm - tức là trọn vẹn một đời trai trẻ. Và tôi cũng biết rằng, dù không mang áo lính, nhưng họ đang ở trong biên chế của hải đội tự vệ, sinh hoạt với kỷ luật và tác phong của người lính biển.

Hưng, Nghĩa luôn bảo, cuộc sống ở đây rất ổn. Nhưng tôi biết các em đang động viên để tôi yên tâm hơn, điều mà đáng ra tôi phải làm với họ. Cuộc sống trên nhà đèn thiếu thốn lắm. Có một sự thiếu thốn nữa mà tôi biết, dù chỉ thoáng qua thôi, thành viên nhiều đoàn công tác ra thăm vô tình ít để ý đến họ - những người lính không mang quân hàm!

Trước lúc chia tay, cầm trên tay tôi vài bao thuốc, Hưng rưng rưng bảo: “Thỉnh thoảng, có đoàn ra thế này, bọn em vui lắm. Sau khi bọn anh về, thì lại ngơ ngẩn mất mấy ngày. Nhưng đất liền cứ yên tâm. Bọn em tuy bên dân sự, nhưng những lúc động trời vẫn sẵn sàng và đủ khả năng chiến đấu vì Tổ quốc, hỗ trợ những ngư dân ta bám biển”.

… Và những ngọn hải đăng di động

Kể lại với tôi câu chuyện về một ngư dân Phú Yên vừa sống sót sau 25 tiếng một mình giữa biển Đông, Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải tâm sự rằng: “Biển rất mạnh mẽ, nhưng biển cũng biết nâng đỡ con người, nâng đỡ cả một dân tộc. Chỉ có điều, để tiến ra biển, thì phải có những con người, những cơ sở hạ tầng cụ thể”. Anh Hải mong muốn, ngư dân ta rồi đây sẽ được hỗ trợ những con tàu vỏ sắt to hơn, có tàu cấp đông để thu mua hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm, nước ngọt, chữa bệnh trên biển, trên các đảo có những cầu tàu to để vào tránh bão, có nhà máy chế biến hải sản tại chỗ để hỗ trợ ngư dân.

“Họ là những cột mốc sống trên biển. Ngư dân vươn khơi không chỉ làm kinh tế, mà còn bảo vệ chủ quyền biển và trợ giúp ngư dân là một nhiệm vụ”, vị tướng hải quân chân tình.

Và chuyến đi vừa rồi, tôi đã may mắn gặp được những người làm nhiệm vụ ấy. Đó là hai thuyền trưởng tàu Đá Tây 07 Phạm Hữu Chinh và thuyền trưởng tàu Đá Tây 05, anh Vũ Chí Thuấn.

Anh Chinh kể, chỉ riêng năm 2013, Công ty Dịch vụ khai thác hải sản biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mà tàu anh là thành viên đã cung cấp cho ngư dân 240.000 lít xăng dầu, cứu hộ 64 lượt tàu và cung cấp nước ngọt miễn phí cho 1.723 lượt tàu bè của ngư dân ta đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa. Năm 2013 vừa rồi, con tàu Đá Tây 07 của anh có tới 260 ngày rong ruổi ở vùng biển này.

“Giá bán nhu yếu phẩm được chỉ đạo bằng với giá đất liền, còn nước ngọt, hỗ trợ y tế miễn phí”, Phạm Hữu Chinh quả quyết. Còn Vũ Quý Thuấn kể bằng chất giọng của người đã quen ăn sóng, nói gió: “Cứ trên vùng biển nhà mình, chỗ nào có đông ngư dân là bọn tôi đến. Nhiều hôm bão gió, còn phải phối hợp với hải quân ‘ép’ dân vào nơi tránh trú, vì nhiều người ham cá, ham tôm, mà quên đi nguy hiểm”.

Khi nghe tôi hỏi, chỉ huy một con tàu dân sự hoạt động dịch vụ nghề cá tại vùng biển luôn bị nhòm ngó, như những diễn biến mấy ngày qua, anh có cảm thấy bất an, người thuyền trưởng quê Hải Dương cười sảng khoái: “Mình hoạt động trên vùng biển của mình, thì sợ cái gì anh”!

Vĩ thanh

Quả thật, ra Trường Sa, lên những đảo nổi, đảo chìm, hay trò chuyện với những ngư dân mới thấy, ở đây, lính đảo hay dân thường, họ bình thản lắm. Cái bình thản của những người đang sống, đang giữ đất nhà mình. Như buổi chiều ngồi trên bờ kè đảo Đá Lớn A với Vũ Chí Thuấn và Phạm Hữu Chinh thật thanh bình. Biển xanh ngằn ngặt và nắng vàng rực rỡ, rõ ràng, mấy cánh hải âu bay lượn phía xa. Bất chợt, nhớ đến bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”.

Thưa Bác, đêm Trường Sa, đêm Hoàng Sa, đêm trên những trạm hải đăng và cả trên con tàu HQ 571 những ngày này, chúng con cũng hầu như không ngủ. Đất nước mấy ngàn năm dẫu vẫn ẩn hiện bóng thù, nhưng những ngọn sóng dưới chân tàu chúng con đi đã thực sự là con sóng quê hương. Biển trời hôm nay đã xanh màu xanh xứ sở, nơi những lớp trai hùng ngoài kia đang ngày đêm máu xương gìn giữ. 

Đảo Đá Tây B, mùng 8/5/2014

(Còn tiếp)

TIN LIÊN QUAN
Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh
ASEAN kêu gọi không sử dụng vũ lực trên Biển Đông
Nghĩa tình trên quê hương Bác Hồ
Năm ánh sao đưa Chiến thắng Điện Biên Phủ thành mốc son thời đại
Ai đã chia sẻ "quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân" với tướng Giáp?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư