Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Kỳ 4: Câu cá đêm ở Trường Sa
Phí Trọng Hiếu - 21/05/2014 06:16
 
Trải nghiệm về chuyến hải trình ra với Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này với tôi, không chỉ là những xúc cảm chủ quyền thiêng liêng, mà còn là cả những phút giây tận hưởng sự giàu đẹp của biển đảo quê hương, như chuyện theo các anh lính hải quân buông câu giữa biển… 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kỳ 3: Giữa biển Đông, học Bác thế trận lòng dân
Kỳ 2: Chim Sơn Ca vẫn hát
Kỳ 1: Cảm hứng chủ quyền

Có thể nói, mỗi điều được nghe, được thấy, được cảm nhận nơi đảo xa đều thật đặc biệt. Đó có thể là lễ chào cờ thiêng liêng, đầy xúc động ở Nam Yết, Sơn Ca; lễ duyệt binh nghiêm trang, kỷ luật ở Trường Sa Lớn. Có thể chỉ đơn giản là những chai nước ngọt, bao thuốc lá tặng nhau giữa lính đảo và người từ đất liền… Và cái câu “rừng vàng, biển bạc” không lúc nào tôi trải nghiệm rõ ràng như những buổi câu đêm giữa biển Đông vừa rồi.

  Cá heo, Trường Sa, lính biển  
  Thả chú cá heo về với lòng biển khơi để thỏa sức vẫy vùng  

Khi đêm bắt đầu buông, con tàu HQ 571 thả neo cạnh Đảo Đá Lớn A. Không còn được ngồi trên boong, ngắm tàu lướt giữa màn đêm, nhưng thật thú vị khi được dòng cả trăm mét dây câu xuống lòng biển để tận hưởng cảm giác của một ngư phủ buông câu giữa biển nhà mình!

Giữa cơn mưa đêm lắc rắc, có rất nhiều cá chuồn trên mặt biển. Và ra Trường Sa mới biết, tại sao loài cá ấy có tên gọi cá chuồn. Cả đàn bay là là mặt nước, chả khác mấy lũ chuồn chuồn ở bên bờ ao nhà mình ngày xưa. Cá mà bay xa đến dăm bảy chục mét. Có con cao hứng còn bay vọt lên cả thành tàu…

Những anh lính biển thạo nghề có thể đu đưa cây vợt dài vài lần là đã kiếm đủ mươi con cá làm mồi câu. Thật ra, chưa có ai giải thích cho tôi, tại sao người ta lại thích bắt cá chuồn làm mồi, nhưng đồ rằng, có lẽ, cái mùi tanh rất đặc trưng chính là nguyên cớ để nó trở thành con mồi hấp dẫn cá thu, cá mú hay những con chình biển ham ăn. 

Cái đêm tôi theo đóm ăn tàn đi câu, được mấy anh lính trên tàu cho biết là thất thu, nhưng cũng được đến dăm con cá thu và con chình biển gần chục ký. Thuyền trưởng Phạm Xuân Hải kể, có hôm, anh em trên tàu còn câu được con cá mú nặng đến bảy tám chục cân, còn cỡ cá thu dăm chục cân trở lại thì là chuyện thường ngày… ở biển. Có những vị khách đã từng rách toạc lòng bàn tay vì vô tình cầm vào dây câu để đo độ nặng nhẹ của chú cá dính lưới, như kiểu câu con chép, con trôi ở đất liền. Vậy nên, chúng tôi luôn được dặn dò đeo bao tay kỹ càng trước khi thử làm ngư phủ…

Cá câu lên, con lớn thì cho vào tủ cấp đông làm đồ ăn dự trữ, con nhỏ khoảng… mươi ký thì được các anh lính tặng cho các vị khách trên tàu. Vài người có kinh nghiệm tàu bè, trước chuyến hải trình đã dự trữ sẵn cho mình cân chanh tươi, dăm lạng ớt và vài lọ mù tạt… Và không có chuyện nấu nướng ở đây. Con cá được xẻ miếng cỡ bàn tay rồi nêm chanh, ớt, mù tạt vài phút là thành món Sasimi mà rất nhiều người thưởng thức đều tấm tắc bảo rằng, chẳng có món hải sản nào mà họ từng nếm qua đậm đà, đáng nhớ như thế… 

Câu cá đã là một trải nghiệm thú vị, nhưng có một chuyện rất đặc biệt, phải nói là duyên kỳ ngộ với những người chứng kiến đêm ấy. Bởi biển về đêm, cả đàn cá heo vài mươi con như đang khiêu vũ dưới ánh sáng đèn pha cách tàu chỉ vài chục mét.

Đang say sưa ngắm nhìn cảnh đẹp hiếm gặp, bỗng nghe ở mạn tàu bên kia, một tay câu hét toáng lên xin trợ giúp, có lẽ vì dây câu trì xuống rất nặng.

Con này chắc to đây! Chúng tôi háo hức theo sau thuyền trưởng Phạm Xuân Hải chạy ra mạn tàu vì chắc mẩm lại sắp được dòng lên một chú cá dăm bảy chục ký.

Biển đêm đen kịt, nhưng anh Hải nói chắc như đinh đóng cột, dây câu dính phải cá heo rồi. Vị thuyền trưởng lệnh cho tay câu khẩn trương đưa cá lên bờ, nhanh chóng gỡ đám dây câu chằng chịt trên người con cá heo ham nhảy múa mà dính phải cái bẫy vốn không phải dành cho mình.

“Gỡ thật nhanh, nếu khó thì cắt dây câu luôn cho cá khỏi bị thương”, anh Hải ra lệnh. Đám dây câu nhanh chóng được cắt bỏ để tránh làm đau con cá lành. Vị thuyền trưởng trực tiếp xuống mạn tàu kiểm tra xem con cá có bị thương hay không. Tuy nhiên, thật may là không sao và chú cá heo nhanh chóng được thả về với biển khơi để thỏa sức vẫy vùng...

Lâu nay, vốn được nghe dân đi biển coi cá heo là người bạn hiền. Mới đây thôi, anh ngư dân “siêu nhân” người Phú Yên từng lênh đênh giữa biển Đông hơn 25 tiếng đồng hồ còn kể rằng, khi đã tuyệt vọng, anh chỉ biết cầu trời khấn phật, thì bỗng xung quanh xuất hiện một đàn cá heo. Đàn cá như nâng đỡ, như che chở khiến anh vững dạ mà gắng chống chọi cho đến khi được một con tàu cứu sống.

Đêm nay, chú cá heo không may này lại gặp may khi gặp thủy thủ đoàn tàu HQ 571. Chú lại có thể vẫy vùng với sóng cả, tung tăng với bầy, để rồi biết đâu sẽ mang lại điềm lành cho người đi biển.

Và không hiểu có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau khi chú cá heo được chúng tôi thả vào lòng biển mươi phút, ở phía xa xa, cả đàn cá heo lại tung mình lên không múa điệu vũ biển khơi, như cám ơn, như tạm biệt…

Được đi cùng những người lính không chỉ chắc tay súng giữ gìn biển đảo quê hương, mà còn rất dứt khoát, rành mạch trong câu chuyện bảo vệ môi trường sinh thái, tôi càng yên tâm hơn về chuyến hải trình của mình. Cuộc kỳ ngộ với chú cá heo đêm ấy cũng như một điềm lành cho cuộc hành trình ra với Trường Sa của tôi và các thành viên trong đoàn công tác lần này, đúng như lời chúc “hải lộ bình an” được nghe mỗi khi tàu nhổ neo rời đảo...

Đảo Đá Tây B, mùng 8/5/2014

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư