Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Kỳ họp Quốc hội thứ 8: Bố trí làm nhân sự ngay chiều 21/10
Nguyễn Lê - 12/09/2024 19:58
 
Tại cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo nghị quyết của Trung ương Đảng, tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước.
.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng thư ký Quốc hội bố trí làm công tác nhân sự ngay chiều 21/10, ngày đầu tiên của Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XV.

Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc vào sáng 21/10 tới đây.

Trong dự kiến chương trình Kỳ họp chưa có nội dung về công tác nhân sự. Vì thế, cả Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đều cho rằng cần bố trí làm nhân sự ngay chiều 21/10.

Liên quan đến nội dung này, tại cuộc họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 8, chiều 26/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo nghị quyết của Trung ương Đảng, tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước.

Khi đó, Tổng thư ký Quốc hội cũng thông tin, chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc kiêm nhiệm cho đến khi kiện toàn Bộ trưởng mới.

Việc kiện toàn này cũng cần Quốc hội phê chuẩn, tuy nhiên ông Cường không đề cập thời điểm kiện toàn chức danh đó.

Về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 nói chung, Chủ tịch Quốc hội nói ông “sốt ruột nhất hiện nay là nhiều nội dung Chính phủ chưa trình, rất khó cho việc thẩm định”.

Song, ông Mẫn nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội “sẵn sàng túc trực chờ nội dung để thẩm định cho tốt, trên tinh thần Quốc hội ủng hộ để Chính phủ điều hành, phát triển đất nước trước tình hình khó khăn của thế giới, trong nước mà gần đây nhất là cơn bão số 3”.

Trong số các luật Chính phủ đề nghị bổ sung có Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi mà Ủy ban tiếp cận được sửa đổi rất toàn diện, tổng thể với rất nhiều cách thức tiếp cận mới, có thay đổi rất lớn đồng thời liên quan đến rất nhiều luật.

Còn dự án luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách cũng có sự đan xen, giao thoa giữa các luật, giữa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công. Vì thế, ông Mạnh đề nghị các cơ quan Chính phủ nếu trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình của kỳ họp thứ 8 này cần quan tâm 2 nhóm việc.

Một là, đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới đưa ra trong thời gian rất ngắn tác động rất lớn đối với nền kinh tế.

Thứ hai, rà soát sự đồng bộ với các luật có liên quan, vì qua khảo sát sơ bộ thì một số điểm sửa ở luật này nhưng đồng thời đang được quy định ở rất nhiều luật khác.

“Nếu chúng ta chỉ sửa một luật này mà không sửa đồng bộ thì sau này lại tiếp tục có những vướng mắc. Mong các đồng chí, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đôn đốc giúp trong thời gian cuối tuần này chúng tôi có được hồ sơ dự thảo luật để thẩm tra”, ông Mạnh phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn bàn lại với Chính phủ là một luật có thể sửa một số điều, như vậy gọn, dễ thông qua. Còn sửa toàn diện, như ông Mạnh đề cập là phải đánh giá tác động đầy đủ.

“Tôi đề nghị bây giờ vướng gì mình sửa ngay kỳ họp này để có thể thực hiện được, còn sửa toàn diện phải đánh giá tác động kỹ lưỡng”, ông Mẫn lưu ý.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong 3 dự án luật trên có khoảng hơn 40 điểm mới cần phải sửa. Thứ Bảy này, Thường trực Chính phủ sẽ họp cả ngày để cho ý kiến 4 dự án luật, trong đó Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi một số Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Luật sửa đổi một số Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo (ngân sách, tài sản công, thuế…) và sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi Chính phủ cho ý kiến thì các bộ chủ trì sẽ hoàn thiện, đầu tuần tới sẽ có văn bản, tài liệu để gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Sơn thông tin.

Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Sơn cho hay Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện hồ sơ để trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian của  Kỳ họp thứ 8, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày, khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/12/2024.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ điều chỉnh lịch cho hợp lý, kết thúc vào ngày 30/11. Có thể động viên Quốc hội làm việc thêm 2 ngày thứ Bảy, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Về thời gian dành cho các nội dung cụ thể, ông Mẫn cho rằng thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội nên bố trí 1 ngày, thay vì 2 ngày như mọi kỳ khác dễ dẫn đến phát biểu trùng rất nhiều. Nhưng, có thể tăng thảo luận tổ về nội dung này lên 1 ngày, thay vì 1 buổi như thông lệ.

Kỳ họp thứ 8 tăng thời gian thảo luận kinh tế - xã hội tại tổ thêm một buổi, giảm thời gian thảo luận tại hội trường từ 2 ngày xuống 1 ngày. Thời gian chất vấn giảm từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gút lại.

Cho ý kiến sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư