Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kỳ vọng từ “cây tỷ đô” mắc ca
Bá Thư - 11/02/2015 08:42
 
() Những ngày qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận hiểu nhiều hơn về cây mắc ca - một giống cây được kỳ vọng sẽ giúp đổi đời cho hàng trăm ngàn người dân Tây Nguyên, khi dần thay thế cho cây cà phê và cao su, vốn đã xuất hiện những giới hạn phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ vọng này không chỉ là của người dân, mà còn của cơ quan quản lý. Một hội thảo về cây mắc ca lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam mới đây đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo một số tỉnh Tây Nguyên và đông đảo doanh nghiệp, ngân hàng.

Kỳ vọng từ “cây tỷ đô” mắc ca
Một cây mắc ca bắt đầu bói quả

Không phải ngẫu nhiên, dư luận đặt kỳ vọng cao đến như vậy vào giống cây này.

Thứ nhất, cây mắc ca không phải là giống cây mới tại Việt Nam. Giới nghiên cứu đã đưa mắc ca về trồng khảo nghiệm ở Việt Nam từ những năm 2000 và xác định Tây Nguyên, Tây Bắc có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với loại cây này. Đến nay, các nhà khoa học đã chọn lựa được khoảng 20 giống cây mắc ca trồng ở Tây Nguyên và Tây Bắc, với tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Nói như GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, “cuộc cách mạng” mắc ca đã chín muồi. Song giai đoạn khảo nghiệm kéo dài khiến giống cây này chưa được đông đảo dư luận biết tới.

Thứ hai, sức hút của cây mắc ca đến từ chính giá trị của nó, được ví như “nữ hoàng của các loài hạt”, hay “cây tỷ đô”. Theo tính toán, kể từ khi người Pháp đưa cây cà phê và cao su vào Việt Nam, phải mất 100 năm, hai loại cây này mới đạt ngưỡng kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, nhưng với cây mắc ca, có thể chỉ cần 10 - 20 năm để đạt được mốc này.

Thứ ba, thực tế đã chứng minh, với năng lực, sự cần cù, chăm chỉ, người nông dân Việt Nam rất thành công trên đồng đất của mình. Họ đã đưa ngành sản xuất gạo, cà phê của Việt Nam lên bản đồ thế giới và không có lý do gì để thêm một lần nữa làm nên kỳ tích, đưa Việt Nam trở thành cường quốc mắc ca trong khu vực và thế giới.

Thứ tư, nếu phát triển được cây mắc ca như kỳ vọng ở trên, thì nó không chỉ dừng lại ở ý nghĩa kinh tế, mà nó còn mang ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn, khi đem lại sinh kế và thay đổi cuộc sống cho người dân Tây Nguyên, Tây Bắc - những vùng phên giậu của Tổ quốc.

Thuận lợi và kỳ vọng là vậy, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cây mắc ca thực sự trở thành một sinh kế lâu bền cho người dân.

Trước hết, cần tháo gỡ vướng mắc về đất trồng. Với tâm lý “sở hữu đất đai trọn đời” của người dân, nếu không có chính sách phù hợp, sẽ khó phát triển các vùng trồng cây mắc ca quy mô lớn.

Nhà khoa học, nhà băng, nhà nông chung tay làm "cây tỷ đô"

(Baodautu.vn) Cây Mắc-ca (Macadamia) đang được kỳ vọng thay đổi đời sống người dân Tây Nguyên khi có sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ chiến lược của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây mắc ca, đáp ứng nguồn vốn cho bà con cần được sớm thực thi. Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ năm 2014) quy định các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng để phát triển vườn cây giống, nhưng chưa được triển khai. Đồng thời, các ngân hàng cần sớm vào cuộc, đưa ra các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển cây mắc ca. Với chi phí giống khá cao (khoảng 80.000 đồng/cây, mật độ trồng 300 - 400 cây/ha), đây là khoản hỗ trợ rất cần thiết cho bà con nông dân trồng mắc ca.

Điểm đặc biệt quan trọng nữa là cần sớm hình thành những doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, đi tiên phong trong lĩnh vực này, từ nghiên cứu cây giống, làm chủ công nghệ chế biến đến tìm thị trường tiêu thụ bền vững, để cùng với bà con nông dân hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Nếu không làm bài bản, để việc trồng mắc ca phát triển thành phong trào tự phát, thì sau một số năm nữa, không ai dám chắc lại không xảy ra tình trạng bà con chặt bỏ cây mắc ca do mất giá, như nhiều vùng bà con nông dân chặt vải, chặt nhãn đã từng xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư