Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kỳ vọng vào chiến lược phục hồi kinh tế của TP.HCM
Hồng Phúc - 20/09/2021 09:44
 
Các doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng, chiến lược phục hồi kinh tế của TP.HCM được công bố rõ ràng và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay tái cấp vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào chiến lược phục hồi kinh tế của TP.HCM

Tránh chồng chéo quy định

Không chỉ TP.HCM, mà nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á đều đang đứng trước áp lực mở cửa nền kinh tế, khi sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã đến giới hạn chịu đựng. Sự không chắc chắn xung quanh việc lập các kế hoạch dài hạn của các ban, ngành liên quan cũng là vấn đề mà doanh nghiệp Singapore, Philippines hay TP.HCM phải đối mặt.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel cho rằng, cần có đầu mối chỉ đạo tập trung, rõ ràng, thống nhất. “Chính sách ban hành cần tránh tình trạng 'sáng nắng, chiều mưa', làm mất đi sự nghiêm túc, nghiêm minh”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Đây là một trong những lý do khiến mới đây, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp với các hiệp hội ngành nghề, đại diện một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… và đưa ra Dự thảo Kế hoạch phục hồi kinh tế Thành phố. Dự thảo dài 36 trang được xây dựng sau quá trình lắng nghe, tham khảo ý kiến góp ý của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, các hội viên HUBA đều kỳ vọng về việc công bố kế hoạch chiến lược, kịch bản phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM một cách rõ ràng, có tiến độ cụ thể, có thời gian để chuẩn bị. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành cần được thực hiện thống nhất và chỉ một trung tâm chỉ huy, tránh thay đổi thường xuyên làm rối loạn hoạt động như thời gian qua.

“Phải nói rằng, chưa bao giờ tôi đọc một bản kế hoạch chỉn chu và thực tế đến như vậy”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm (FFA) TP.HCM nói. Theo bà, việc mở cửa giai đoạn I cần cân nhắc áp dụng theo lộ trình từng bước, xác lập và quy định rõ ưu tiên mở cửa thí điểm ở các vùng an toàn, nếu không, sẽ khiến công sức dập dịch lâu nay đổ bể, đe doạ tới sức khoẻ cộng đồng.

Đặc biệt, điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại sẽ phụ thuộc vào người lao động. Nếu người lao động chưa được tiêm vắc-xin hoặc bất cập trong quá trình hệ thống hoá cơ sở dữ liệu gây chậm trễ quá trình cấp “thẻ xanh Covid” chưa được giải quyết sẽ khiến kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cho rằng, TP.HCM nên chủ động lên phương án hoàn thành tiêm mũi 2 cho người lao động tại những ngành, lĩnh vực quan trọng. Đây là cách giúp doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại ngay sau khi các kế hoạch được thông qua, nhất là tại các địa phương thí điểm mở cửa, thay vì chờ tất cả người dân được tiêm mũi 2, sẽ làm chậm cơ hội của cả nền kinh tế.

Đồng thời, Thành phố cần khẩn trương thực hiện đồng bộ việc kê khai dữ liệu trên App Sổ sức khỏe điện tử với các cá nhân đã tiêm 2 mũi vắc-xin để nhanh chóng làm cơ sở cấp “thẻ xanh” cho những người đủ điều kiện. Việc này nếu không giải quyết dứt điểm và có hướng dẫn cụ thể trước ngày Thành phố mở cửa kinh tế, thì sẽ dẫn đến nguy cơ đẩy doanh nghiệp và người dân vào thế bị động như vụ việc giấy đi đường thời gian qua.

Cần hỗ trợ tái cấp vốn

Bà Lý kim Chi cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm vẫn được phép hoạt động, nhưng phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận, trong khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, sức mua của thị trường yếu. Họ phải giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng, quyết tâm, đồng lòng cùng chính quyền TP.HCM trong công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống người lao động và cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.

Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành thực phẩm chuẩn bị vào mùa sản xuất phục vụ Noel, Tết, nên rất cần vốn thông qua hỗ trợ từ ngân hàng và việc cắt giảm các chi phí cố định. “Các doanh nghiệp đang rất cần Thành phố có lộ trình hỗ trợ mới về nguồn tài chính để doanh nghiệp có thể trở lại sản xuất”, bà Kim Chi nói.

Cụ thể hơn, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay tái cấp vốn, vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, bảo lãnh thanh toán các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

“Thời điểm khởi động, phục hồi nền kinh tế của TP.HCM đã chín muồi, đặc biệt là cơ hội phục hồi nhanh thị trường trong quý IV/2021. Do đó, cần có kịch bản cụ thể, đồng bộ về giải pháp sống chung với Covid-19 trong trạng thái mới”, ông Dũng chia sẻ.  

TP.HCM: Quận đầu tiên triển khai thí điểm “bình thường mới”
Quận 7 cùng với huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi đã đạt các tiêu chí kiểm soát dịch sớm nhất nên được TP.HCM chọn mở cửa thí điểm và có kiểm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư