Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất cao làm khó doanh nghiệp thủy sản
Nguyễn Ngân - 24/02/2023 08:22
 
Vốn và lãi suất cao đang là nguyên nhân chính gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, đặc biệt trong tình hình xuất khẩu đầu năm nay không được khả quan.
Các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn vì lãi suất quá cao 	Ảnh: Đức Thanh
Các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn vì lãi suất quá cao.  Ảnh: Đức Thanh

“Khóc dở, mếu dở”

Năm 2022, ngành thủy sản đã xác lập kỷ lục xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng, tăng sức cạnh tranh. Cùng với sự phát triển của thị trường, thủy sản cũng như các ngành hàng khác phải đối mặt với nhiều thách thức về hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu, nhưng đều vượt qua.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp thủy sản đã có mức độ hội nhập nhất định, các vấn đề về kỹ thuật không tạo ra cản trở quá lớn cho ngành thủy sản, mà khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành nằm ở việc tiếp cận vốn. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát, khủng hoảng năng lượng gây ảnh hưởng mạnh đến toàn cầu. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn co lại từ cuối năm 2022, kéo dài sang quý I/2023 khiến không ít doanh nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng lao đao.

Chưa hết, doanh nghiệp thủy sản còn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%, khi doanh nghiệp không đủ vốn để mua nguyên liệu thì tất yếu dẫn đến việc bị chậm, trễ đơn hàng.

Ông Vũ Anh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Gia Anh (Gia Anh Foods, TP.HCM) cho biết, hiện tại là thời điểm nhiều biến động của thị trường thủy sản. Tất cả các biến số như tốc độ tiêu thụ, phân khúc thị trường… đều thay đổi, tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp ngành này.

Thêm vào đó, trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì lãi suất lại đang quá cao, có khi lên tới 15 - 16%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp “khóc dở, mếu dở”.

“Lãi suất cao, tình hình kinh doanh lại không mấy khả quan nên tôi không dám vay nhiều hay mở rộng kinh doanh. Hiện tôi đang được vay gói ưu đãi, lãi suất 9,5%/năm nhờ dòng tiền kinh doanh tốt. Tuy nhiên, đây cũng không phải là mức lãi suất thấp”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, ở thời điểm này, những doanh nghiệp có trình độ quản trị không tốt sẽ dễ dàng bị lung lay theo thời cuộc, dẫn tới phá sản.

Nỗ lực vượt khó

Tiếp cận vốn là vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp. Trước thực trạng hiện nay, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất: “Không thể dàn hàng ngang tất cả nhóm ngành hàng để áp dụng chung một chính sách. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần được tiếp cận vốn tốt hơn, với mức lãi suất phù hợp hơn. Mức lãi suất hiện tại đang tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp”.

Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Vũ Anh Tiến cho hay, trong lúc chờ đợi động thái mới từ phía Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp ông đang kinh doanh nhờ uy tín của mình. Cụ thể, nhờ uy tín trong kinh doanh, hiện Gia Anh Foods có thể nhập hàng trước, trả tiền sau với thời hạn lên đến 20 ngày. Đồng thời, khách hàng của Gia Anh Foods cũng phải thanh toán trước khi nhận hàng.

Nhờ đó, doanh nghiệp của ông đã hạn chế được sử dụng vốn trong kinh doanh, tránh phải vay quá nhiều khi lãi suất đang tăng cao.

Bên cạnh đó, Gia Anh Foods cũng chủ động trong khâu chào bán hàng. Khi hàng còn khoảng vài ngày nữa mới tới nơi, thì Công ty đã có khách đặt mua. Từ đó, giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho, hạ thấp tỷ lệ hư hỏng, giảm chi phí sân bãi, bảo quản.

Ngoài ra, Gia Anh Foods cũng đưa ra mức giá cạnh tranh hơn cho các sản phẩm của mình khi bán hàng trực tiếp không qua trung gian.

Để có thể sử dụng phương pháp này, ông Tiến nhấn mạnh, doanh nghiệp phải có uy tín nhất định với đối tác, nhà cung cấp và khách hàng. Chỉ khi các đối tác tin tưởng thì mới có thể giao tiền cho mình.

Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng giải pháp như Gia Anh Foods. Cũng gặp khó khi lãi suất tăng cao, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tanis (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chọn biện pháp nỗ lực mở rộng thị trường.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tanis thông tin, hiện thị trường xuất khẩu chính của Công ty là châu Âu, nhưng do lạm phát và khủng hoảng năng lượng, sức mua của thị trường đã giảm tới 50%. Trước tình hình này, Tanis đã mở rộng thị trường của mình sang một số nước khác trong khối EU như Tây Ban Nha, Pháp…

“Chúng tôi đang xem xét mở rộng sang thị trường châu Á và châu Mỹ. Bất cứ nơi nào có khách hàng thì đều tiếp cận để mở thị trường. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thói quen, thủ tục của thị trường đó, là chúng tôi sẵn sàng tiếp cận các nhà mua hàng”, ông Tài nói.

Cũng theo ông Tài, thời điểm hiện tại chính là lúc để nghiệm chứng năng lực của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có trình độ quản trị trung bình trở xuống sẽ khó vượt qua giai đoạn này. Doanh nghiệp nào tồn tại được sẽ xây dựng cho mình nền tảng vững chắc hơn để phát triển trong tương lai.

Xuất khẩu thủy sản đối diện với nhiều khó khăn
Sau khi tăng trưởng mạnh trong giai đoạn đầu năm, xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu tăng chậm lại và dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư