Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất cơ bản USD tăng, lo chảy ngược ngoại tệ
Vân Linh - 28/12/2017 08:29
 
Không chỉ quyết định tăng thêm 0,25%lãi suất cơ bản USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn cho biết, sẽ tiếp tục tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018. Trong bối cảnh lãi suất huy động USD tại Việt Nam vẫn ở mức 0%, ngoại tệ sẽ chảy đi đâu.

Lãi suất cơ bản USD còn tăng

Ngay sau khi Fed công bố tăng lãi suất cơ bản USD lên 1,25-1,5%, tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh khá mạnh, đạt 22.433 đồng/USD trong ngày 22//12 sau nhiều phiên “lặng sóng”.

Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với một tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm. Có thể thấy, quyết định của Fed trước mắt không có nhiều ảnh hưởng tới tình hình tỷ giá trong nước.

.
.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất hoàn toàn không phải là điều bất ngờ. Chuyên gia tài chính ông Huỳnh Trung Minh cũng nhận định, thị trường và doanh nghiệp đã phần nào biết được lộ trình tăng lãi suất của Fed và tính toán kỹ lưỡng. Vì thế, quyết định của Fed có thể ảnh hưởng đến VND, nhưng tác động sẽ không lớn.

Theo các chuyên gia tài chính, trong năm 2017 cũng như năm 2018, ngoại tệ của Việt Nam khá dồi dào. Con số mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 46 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong khi đó, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm nay tăng khoảng 16% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua, ước sẽ đạt 13,8 tỷ USD so với mức 11,5 tỷ USD trong năm 2016.

Bên cạnh đó, NHNN vẫn cho thấy thái độ kiên định trong lộ trình chống tình trạng đô la hoá nền kinh tế. Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành, phê duyệt chiến lược hạn chế đô la hoá trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quanvới lộ trình thêm 3 lần tăng lãi suất của Fed trong năm tới, nhất là đối với doanh nghiệp sử dụng vốn USD.

Áp lực lên tỷ giá

Trong một báo cáo vừa đưa ra, các chuyên gia Ngân hàng ANZ cho rằng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn kiều hối và thặng dư thương mại, NHNN Việt Nam cam kết sẽ chủ động giữ tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD sẽ tăng nhẹ trong những năm tới, cuối năm 2018 sẽ ở mức 22.900 đồng/USD và tháng 6/2019 ở mức 23.000 đồng/USD.

TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cũng đánh giá, áp lực tỷ giá cuối năm là khó tránh, do nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng vào thời điểm này.“Lãi suất trên thị trường một khả năng sẽ tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm nên tác động tích cực lên tỷ giá. Tuy nhiên, việc Fed tiếp tục gia tăng lãi suất trong năm tới sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá trong thời gian tới”, TS. Tín cho hay.

Tại Việt Nam, trần lãi suất huy động USD hiện vẫn là 0%/năm vàvề cơ bản, các chính sách tiền tệ chưa có nhiều thay đổi kể từ khi chính sách lãi suất của Fed thay đổi rõ nét. Chính điều này dẫn đến lo ngại, dòng ngoại tệ có thể bị chảy ngược. Cùng với đó, một thực tế đáng ngại đã bắt đầu xuất hiện trong năm 2016, đó là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam sụt giảm vào cuối năm và không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là lãi suất USD bên ngoài đã hấp dẫn hơn.

Báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền người Việt đã bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD.

Do vậy, không ít ý kiến cho rằng, NHNN cần nghiên cứu để có chính sách thu hút thêm USD làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước. Các chuyên gia tài chính cũng kiến nghị, NHNN nên tiếp tục duy trì lãi suất bằng 0% cho đến khi Fed tăng lãi suất trong thời gian tới. Khi đó, NHNN nên xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi USD để giữ nguồn ngoại tệ.

Một lãnh đạo NHNN cho rằng, thời gian qua, thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm. Nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm. Riêng năm 2017, NHNN đã mua thêm được 8 tỷ USD. Huy động vốn bằng ngoại tệ hiện chỉ chiếm 12% tổng huy động vốn, trong khi ở giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ này lên đến 19-22%. Do vậy, NHNN vẫn kiên định giữ lãi suất huy động USD ở mức 0%.

[Infographic] Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ 3 trong năm nay
Ngày 13/12/2017, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 1,0 - 1,25% lên khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư