Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Lãi suất điều hành bất ngờ giảm, tìm điểm cân bằng để ngân hàng "cứu" trái phiếu
T.L - 02/04/2023 08:25
 
NHNN hạ thêm lãi suất điều hành, đang nghiên cứu cơ chế giãn nợ, gói 120.000 tỷ đồng triển khai trong vài ngày tới, M&A ngân hàng tiếp tục sôi động, giải cứu trái phiếu... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

GDP tăng thấp kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hạ tiếp 0,3-0,5% loạt lãi suất điều hành

Cuối tuần qua, NHNN bất ngờ quyết định giảm loạt lãi suất điều hành thêm 0,3-0,5%, áp dụng từ ngày 03/4/2023.

Cụ thể:  Giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn (từ 6% về 5,5%/năm); Giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; Giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TDND, Tổ chức tài chính vi mô tại).

NHNN cho hay, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất trắc, lạm phát neo cao, rủi ro bất ổn tài chính ngân hàng khiến NHTW các nước thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, các nước phát triển bước đầu tránh được suy thoái.

Từ ngày 10/3 đến nay, một số ngân hàng đóng cửa hoặc gặp khó khăn tại Mỹ và châu Âu khiến triển vọng toàn cầu thêm khó lường, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng. Các NHTW lớn đã bắt đầu phát tín hiệu chậm lại đà tăng lãi suất.

Trong nước, tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011. Lạm phát tăng chậm lại trong 3 tháng đầu năm. 

Thêm vào đó, thị trường tiền tệ thời gian qua ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ tháng 01/2023, NHNN đã mua được ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông.

Trong bối cảnh đó, việc giảm lãi suất điều hành là để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo NHNN, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các TCTD giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, NHNN không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý I; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.

NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Đang nghiên cứu cơ chế giãn nợ cho doanh nghiệp, gói 120.000 tỷ đồng triển khai tháng 4/2023

Chiều 31/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023. Thông tin tại buổi họp, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng tăng 2,06%.

Theo dự tính của cơ quan này, tín dụng năm nay vẫn sẽ tăng khoảng 14-15%. Tín dụng quý I/2023 đang tăng chậm, chủ yếu do nhu cầu vốn của nền kinh tế yếu, hiện Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới.

Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, Phó thống đốc cho biết đang triển khai xây dựng cơ chế cho vay thống nhất để 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai, dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 4/2023.

Liên quan đến chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu  chính sách giãn hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Theo ông Tú, việc giãn hoãn nợ phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.

“Giãn hoãn nợ song phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất nợ xấu của nền kinh tế, không để giãn nợ nhằm che giấu nợ xấu và cũng phải đảm bảo thanh khoản, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng”, Phó thống đốc khẳng định.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không phải do tín dụng mà chủ yếu do thị trường tiêu thụ, dòng tiền.

Về lãi suất, ông Tú cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Khi điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo giảm thêm lãi suất điều hành.

Đáng lưu ý, mặc dù lãi suất giảm song tỷ giá trên thị trường vẫn ổn định. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ  bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai với nỗ lực cao nhất nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng theo quy định, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, giám sát việc triển khai Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng...

Tìm điểm cân bằng để ngân hàng rót “tiền tươi” giải cứu trái phiếu doanh nghiệp

Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng “mở van” cho các ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh khoản thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, để van tín dụng được khai thông, doanh nghiệp cũng phải thay đổi.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 mở rộng phạm vi mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các sửa đổi quan trọng nhất là: tổ chức tín dụng được mua TPDN với mục đích bổ sung vốn lưu động và được mua lại TPDN trước đó đã bán ra (Thông tư 16 quy định ngân hàng đã bán TPDN đó sẽ không được phép mua lại).

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam cho rằng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 sửa theo hướng “nới” điều kiện mua bán TPDN sẽ giúp tăng tính thanh khoản của thị trường, giúp kênh TPDN từng bước phục hồi. 

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN và thị trường bất động sản, song tình trạng nghẽn thanh khoản vẫn chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân là thị trường vẫn thiếu dòng “tiền tươi”, các giải pháp giãn, hoãn chỉ có thể giảm bớt áp lực đáo hạn TPDN trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp kỳ vọng, việc sửa đổi Thông tư 16 sẽ giúp dòng “tiền tươi” xuất hiện, làm thông mạch máu đông đang tắc nghẽn của thị trường trái phiếu, song Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước chưa đáp ứng kỳ vọng này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, một trong những vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là xử lý trái phiếu đáo hạn. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu nợ đến 2 năm, song Thông tư 16 và cả Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 đều không cho phép ngân hàng thương mại được mua trái phiếu phát hành với mục đích cơ cấu nợ. Điều này khiến Nghị định số 08/2023/NĐ-CP trở nên không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, vì ngân hàng đang là một trong những “tay to” nắm giữ TPDN nhiều nhất hiện nay.

“Trong 2 năm 2023 - 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn về bất động sản có thể lên đến 230.000 tỷ đồng, nếu không sửa hoặc tạm ngưng quy định ngân hàng thương mại không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu nợ, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, ông Lê Hoàng Châu bày tỏ lo lắng.

Ngay cả việc cho phép ngân hàng mua lại TPDN phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động, theo chuyên gia, cũng không có nhiều ý nghĩa với thị trường. Bà Quỳnh Vân cho rằng, chi phí phát hành TPDN rất cao, nên doanh nghiệp thường phát hành kỳ hạn dài để bù đắp chi phí, hiếm doanh nghiệp nào phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động.

Theo ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, hiện chỉ có 2 nguồn “tiền tươi” giúp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, cũng là để khai thông thanh khoản cho toàn nền kinh tế. Nguồn “tiền tươi” thứ nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp muốn thu hút được luồng tiền này, cần có Dự án, thương hiệu tốt và cần có thời gian đàm phán. Nguồn “tiền tươi” thứ hai, cũng là nguồn nhanh nhất hiện nay là tín dụng ngân hàng.

Chuyên gia này nhấn mạnh, kỳ vọng ngân hàng “rót tiền tấn cứu nhà giàu” là không thể xảy ra. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể “hé cửa” giải cứu thanh khoản thị trường. Để làm được điều này, ngân hàng phải tìm được điểm cân bằng trong việc bơm tín dụng hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát rủi ro hệ thống. 

Trả lời chất vấn của cử tri mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của ngân hàng khi đầu tư, nắm giữ TPDN nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư TPDN, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng nhằm phát hiện sớm dấu hiệu rủi ro, hành vi vi phạm pháp luật.

Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay là lãi suất bắt đầu hạ nhiệt, thị trường TPDN đã phần nào ấm trở lại sau các giải pháp tháo gỡ của Chính phủ. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3/2023 (tính đến 24/3), đã có 10 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành 25.825 tỷ đồng, gấp 13 lần tổng khối lượng phát hành của tháng 2/2023. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp không thể thanh toán nghĩa vụ trả nợ TPDN tăng từng ngày. 

Sau sự đổ vỡ của các ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ và sự cố SCB năm ngoái, không có khả năng NHNN dễ dãi cho ngân hàng tham gia giải cứu trái phiếu. Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 hé cửa cho ngân hàng hỗ trợ thị trường TPDN, song cũng đi kèm các quy định khắt khe hơn về giám sát dòng tiền, chất lượng trái phiếu (tổ chức tín dụng chỉ có thể mua TPDN khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 5 lần).

Muốn có dòng “tiền tươi” từ ngân hàng đổ vào giải cứu trái phiếu, ngoài cánh cửa hé từ NHNN, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực rất lớn để tạo niềm tin cho nhà băng và cho cả thị trường.

Gói hỗ trợ lãi suất “ế” 99,7%, NHNN lại thúc ngân hàng thương mại giải ngân

Ngày 29/3/2023, ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng).

Cụ thể, với các TCTD: NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Theo đó, các TCTD chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại. Kịp thời nắm bắt các thông tin, phản ánh, khó khăn, vướng mắc (từ khách hàng, các hiệp hội, các cơ quan…) trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kịp thời xử lý, tháo gỡ; báo cáo NHNN, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Bên cạnh đó, TCTD tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng, Công văn số 6221/NHNN-TD ngày 06/9/2022 về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh của TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các sở, ngành, hiệp hội địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về chính sách; đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách. Tiếp tục theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực.  

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngày cả trường hợp sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự kiến chỉ có thể giải ngân được 2.345 tỷ đồng trong năm 2023.

Do đó, còn khoảng 37.520 tỷ đồng nguồn lực của Chương trình bố trí cho chính sách hỗ trợ 2% lãi suất có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế” trong khi doanh nghiệp đói vốn cho thấy, thiết kế chính sách của gói hỗ trợ này chưa hợp lý, gây ra cảnh “cá treo, mèo nhịn đói”.

Theo giải thích của NHNN và Bộ tài chính, điều kiện tiên quyết của Nghị định 31/2022/NĐ-CP là để được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy vậy, tiêu chí xác định “khả năng phục hồi” lại chưa được quy định, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lúng túng khi triển khai. Thêm vào đó, khách hàng còn có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên cũng không mấy hào hứng.

Ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

 Trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thương vụ Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) rót 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Đầu tuần này, VPBank ký thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho ngân hàng SMBC, với giá trị 1,5 tỷ USD (khoảng 35.900 tỷ đồng). Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó (VPBank bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD).

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu gặp nhiều khó khăn, sự kiện trên vô cùng có ý nghĩa, chứng tỏ sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành SMBC khẳng định, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của ngân hàng này.

“Mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai. SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”, ông Jun Ohta nhấn mạnh.

Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trong khi đó, thông qua VPBank, SMBC cũng có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các Dự án đầu tư lớn tại Việt Nam.

Ngoài thương vụ kể trên, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng năm nay dự kiến tiếp tục sôi động. Ngoài các thương vụ chuyển nhượng bắt buộc OceanBank, CB, DongABank, GP Bank, thị trường M&A ngân hàng cũng sẽ ấm lên nhờ các thương vụ thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank, hay Petrolimex tại PGBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng TMCP trong nước cũng đang tích cực tìm đối tác ngoại.

Ngày 7/4 tới đây, Petrolimex sẽ đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu của PGBank. Sau khi Petrolimex thoái vốn, room vốn ngoại của PGBank sẽ được mở rộng lên tới 28%. Đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư ngoại trong việc đặt chân vào thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank kỳ vọng, với sự xuất hiện của nhà đầu tư mới cùng với xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, PGBank sẽ có bước phát triển đột phá  hơn.

Hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng trống room vốn ngoại như SHB, LienVietPostBank, SeABank, Bac A Bank, Nam A Bank, KienLongBank, VietABank, VietBank… Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, một loạt ngân hàng như SHB, SeABank, NamABank… cho biết, vẫn đang trong kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài.

Những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội đặt chân vào thị trường ngân hàng Việt Nam.

Đầu tháng 3/2023, Ngân hàng UOB thông báo đã hoàn tất thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam. UOB Việt Nam cũng đã bổ nhiệm thêm các lãnh đạo cấp cao để dẫn dắt hoạt động kinh doanh bán lẻ được mở rộng tại Việt Nam.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản không thể bỏ qua. Trong các lĩnh vực ở Việt Nam, tài chính được coi là một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất. 

 Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizuho và SMBC đều đã trở thành cổ đông chiến lược tại 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là VietinBank, Vietcombank và VPBank.

Với dân số sắp cán đích 100 triệu, số hóa mạnh mẽ, vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng GDP lạc quan…, Việt Nam vẫn là thị trường tài chính hấp dẫn trong khu vực. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư lớn cho hạ tầng và xu thế “xanh hóa” (go green) cũng khiến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho dòng vốn quốc tế.

Với riêng các ngân hàng Nhật Bản, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh lâu đời và hiệu quả tại Việt Nam là động lực để các ngân hàng này tăng hiện diện tại Việt Nam. Theo thống kê của Jetro, hiện có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng 4,7 điểm phần trăm so với năm trước, cao nhất trong khối các nước ASEAN.  

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) từng cho rằng, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vô cùng vững chắc, điều này thúc đẩy hoạt động M&A tiếp tục sôi động trong năm 2023, trong đó có lĩnh vực tài chính. Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam với mục đích thâm nhập và mở rộng sự hiện diện lâu dài của họ tại Việt Nam, thay vì mục tiêu săn lùng tài sản giá rẻ.

 Nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng được nới room ngoại lên 49%

  Đây là nội dung đưa ra trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 như sau: Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.  

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định trên phù hợp với điểm đ khoản 1 Điều 151e Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định quyền của bên nhận chuyển  giao “được bán, phát hành cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Ngoài ra, quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ.., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho tổ chức tín dụng được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.

Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 nhận chuyển giao tại phương án chuyển giao bắt buộc có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Với phương án điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao sẽ có 2 ngân hàng thương mại cổ phẩn (chiếm 3,13% tổng số ngân hàng thương mại cổ phẩn  Việt Nam; 6,59% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam; chiếm 5,26% thị phần huy động và 5,49% thị phần cho vay đối với thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phẩn  Việt Nam tại thời điểm 30/6/2022).

Qua số liệu nêu trên, việc chấp thuận cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn nhận chuyển giao tăng vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ và không vượt quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng sẽ ảnh hưởng không quá lớn đối với toàn bộ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phẩn Việt Nam cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Từ các lý do nêu trên, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, việc cho phép tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao từ 30% lên 49% sẽ góp phần, tạo điều kiện thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội, không ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ ngân hàng.

Ngoài ra, Nghị định chỉ quy định cho phép điều chỉnh tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao; nhưng về điều kiện, trình tự, thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao thực hiện như các tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, điều kiện để các tổ chức nước ngoài mua cổ phần để có mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tương tự như các tổ chức tín dụng khác, đó là tổ chức nước ngoài đó phải được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định trở lên; có nguồn lực tài chính đủ mạnh; việc mua cổ phần không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam…

Việc mua, bán cổ phần của cổ đông lớn (từ 5% vốn điều lệ trở lên) phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao, chưa nên mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng.  

Vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ nới room ngoại lên 49% cho số ít ngân hàng?

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam vừa đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được nâng room vốn ngoại lên 49%.  

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay, chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào các ổ chức tín dụng yếu kém và ổ chức tín dụng nhận chuyển giao chưa nên mở rộng ra tất cả các ổ chức tín dụng.  

Lý do thứ nhất là, theo quy định trên, sẽ có 4 ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, điều đó có nghĩa trong trường hợp cần thiết Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định ít nhất là 4 ngân hàng thương mại có tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại NHTM vượt 30% vốn điều lệ (là ổ chức tín dụng yếu kém). Ngoài ra, với việc điều chỉnh nêu trên, có thể có 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao được điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, sẽ có ít nhất là 6 ngân hàng thương mại có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ chiếm tương đương 17,14% số ngân hàng thương mại. Ngoài ra, hiện nay, còn có 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Số liệu trên cho thấy, Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá là sâu rộng, có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của ổ chức tín dụng nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thứ hai, thời gian qua, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tiếp tục mở rộng mạng lưới và tăng vốn điều lệ (ví dụ Standard Chartered năm 2021 tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 6.900 tỷ đồng, Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng). Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng quy mô vốn được cấp (ví dụ: NongHyup - chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD, Bank of China - chi nhánh TP.HCM tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD…).

Trong khi đó, hiện đã có tới có 27/31 ngân hàng thương mại cổ phần đã được niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài (ngoại trừ nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn) dễ dàng rút vốn ra khỏi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam khi có biến động lớn về kinh tế trong nước hoặc trên thế giới, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước có nhiều biến động như hiện nay.

Thực tế, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hiện tượng một số ngân hàng nước ngoài (chủ yếu từ châu Âu) dần dần rút vốn đầu tư ra khỏi ngân hàng trong nước, chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.

Việc nhà đầu tư nước ngoài (cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược) thoái vốn hoặc chuyển các khoản đầu tư của họ cho cổ đông khác đồng nghĩa với việc ngân hàng có thể mất đi phần lợi ích từ nhóm khách hàng do nhà đầu tư nước ngoài mang lại (nhóm khách hàng có thể chuyển sang dịch vụ của những tổ chức khác có quan hệ với nhà đầu tư hoặc với ổ chức tín dụng do nhà đầu tư nước ngoài thành lập/tham gia góp vốn).

Thứ ba, theo cơ chế Ratchet tại Hiệp định CPTPP yêu cầu các nước thành viên không đảo ngược tiến trình tự do hóa, điều đó có nghĩa, khi Việt Nam điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần, nếu cần thiết Việt Nam không thể điều chỉnh giảm trở lại.   

Gói hỗ trợ lãi suất “ế” 99,7%, NHNN lại thúc ngân hàng thương mại giải ngân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư