Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Lãi trăm tỷ nhờ thoái vốn, ngân hàng vẫn chần chừ
Vân Linh - 11/05/2017 06:34
 
Để đẩy nhanh việc thoái vốn khỏi ngân hàng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, cần phải có chế tài mạnh.

Chậm thoái vốn

Các nhà băng đều khẳng định, nếu thoái vốn thành công, họ sẽ thu về một khoản tiền không nhỏ. Chẳng hạn tại Ngân hàng Vietcombank (VCB), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, nếu thoái vốn khỏi 2 ngân hàng (là MB và Eximbank) thì VCB có lãi khoảng 700 tỷ đồng.

Hiện VCB sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng, nên nhà băng này phải thoái vốn khỏi 3 tổ chức tín dụng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

.
.

Lãnh đạo VCB cho biết, VCB đang nắm giữ cổ phần tại 3 tổ chức tài chính, với tổng số tiền là 300 tỷ đồng, nhưng do thanh khoản cổ phiếu thấp, nên chưa thoái được.

Trước đó, VietinBank cũng đã thoái phần vốn nắm giữ tại Saigonbank về dưới 5% theo quy định. Chính áp lực thoái vốn của cổ đông lớn khiến Saigonbank khó khăn trong việc nâng cao năng lực tài chính (kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng chưa được hoàn thành).

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, nếu thoái vốn tại Ngân hàng Sacombank thành công với giá 13.500 đồng/cổ phiếu, thì Eximbank có thể thu lợi hơn 500 tỷ đồng từ khoản đầu tư tài chính này.

Theo ông Quyết, Eximbank mong sớm thoái được khoản vốn đang nắm giữ tại Sacombank, nhưng chưa tìm được các nhà đầu tư phù hợp để có thể chuyển nhượng toàn bộ 8,76% cổ phần tại Sacombank.

Với tình hình hiện nay của Sacombank, ông Quyết cho biết, do khó xác định thời gian cụ thể có thể chuyển nhượng phần vốn trên cho đối tác khác, nên Eximbank đã đăng ký bán dần trên sàn.

Cần chế tài mạnh hơn

Cổ phiếu ngân hàng đang đứng trước áp lực lớn từ việc thoái vốn theo lộ trình của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Tổng số lượng cổ phiếu ngân hàng được đưa ra thị trường trong thời gian được dự báo là rất lớn, trong khi lực cầu về cổ phiếu ngân hàng còn hạn chế. Trong khi đó, nhà đầu tư, kể cả các cổ đông hiện hữu của ngân hàng cũng không còn mặn mà với việc bỏ thêm tiền túi để mua cổ phiếu do nhà băng phát hành thêm. Đặc biệt, ở những ngân hàng quy mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả, việc huy động vốn càng khó khăn hơn, nhưng giá phát hành thêm cổ phiếu của các nhà băng này theo quy định lại không thể dưới mệnh giá.

Nhằm siết lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định, một ngân hàng thương mại chỉ được sở hữu tối đa 2 tổ chức tín dụng và tỷ lệ không quá 5%.

Theo đánh giá của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital Bank, cổ phiếu ngân hàng trước bối cảnh hiện nay khó có thể bật mạnh. Tuy nhiên, với những nhà băng lớn, kết quả kinh doanh khả thi và tiềm năng tăng trưởng tốt như Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank… thì cổ phiếu vẫn luôn được giới đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề là, “room” lĩnh vực tài chính - ngân hàng có được nới thêm trong thời gian tới hay không. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần nhanh chóng xóa tình trạng sở hữu chéo, minh bạch trong hoạt động và từng bước đẩy nhanh hơn quá trình xử được lý nợ xấu.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, để có thể giải quyết được tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, phải quyết liệt hơn trong việc thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Nhưng theo TS. Thuận, muốn làm được điều này thì cần có chế tài mạnh hơn để thúc ép ngân hàng xử lý dứt điểm.

Bán vốn nhà nước: Ngân hàng quốc doanh muốn xin ngoại lệ
Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lô lớn cổ phiếu với giá rẻ, trong khi quy định hiện hành không cho ngân hàng bán thấp hơn giá thị trường. Nút...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư