Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Lãi vay giảm, hộ kinh doanh vẫn khó tiếp cận vốn
Vân Linh - 12/07/2024 08:05
 
Lãi suất cho vay giảm, song ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng, nên các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn.

Nhu cầu vốn lớn vẫn khó vay

TS. Hoàng Văn Ninh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tiểu thương đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song họ đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn. Theo ước tính, doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả tiểu thương) chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo việc làm cho hơn 50% lực lượng lao động trong nước, đảm bảo sinh kế cho hàng triệu gia đình. Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhu cầu vốn kinh doanh là rất lớn.

Vietcombank dành khoảng 20% danh mục cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả tiểu thương. Điều này cho thấy, ngân hàng này nhận thức được tầm quan trọng của tiểu thương. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn này, tiểu thương phải đối mặt với nhiều yêu cầu và điều kiện khắt khe, nhất là về tài sản thế chấp.

VPBank cũng đã tiên phong xây dựng hệ thống, nguồn lực để đẩy mạnh cho tiểu thương vay tín chấp, nhưng sau đó phát triển quy mô không được như kỳ vọng do các vấn đề liên quan đến rủi ro tín dụng, chất lượng danh mục chưa thể được quản lý một các tối ưu và hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính như FECredit, EVNFinance, SHBFinance đều có nhóm sản phẩm cho vay tiểu thương tín chấp với điều kiện vay vốn yêu cầu thủ tục đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, song còn rất nhiều thách thức liên quan lãi suất cao và chất lượng danh mục.

“Chỉ khoảng 30% tiểu thương có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và tổ chức tài chính chính thức. Đây là một con số khá thấp, phản ánh những khó khăn và trở ngại trong việc tiếp cận vốn. Khoảng 70% tiểu thương gặp khó do yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục phức tạp. Nhiều tiểu thương không có tài sản đủ giá trị để thế chấp hoặc không thể hoàn thành các thủ tục giấy tờ phức tạp mà ngân hàng yêu cầu, nên họ phải tìm đến các nguồn vốn không chính thức với nhiều rủi ro”, TS. Hoàng Văn Ninh nói.

Theo một thống kê của Bộ Công an, có khoảng 30% tiểu thương từng sử dụng tín dụng đen do khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, với lãi suất cao.

Khơi thông dòng chảy vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một trong những nguyên nhân khiến các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ và vừa ngại tiếp cận vốn vay được cho là các yêu cầu và thủ tục phức tạp từ phía ngân hàng. Trong đó, khoảng 60% tiểu thương không đáp ứng được yêu cầu tài sản thế chấp của ngân hàng. Yêu cầu tài sản thế chấp cao và thủ tục giấy tờ phức tạp là rào cản lớn đối với tiểu thương khi tiếp cận vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, 80% tiểu thương không có lịch sử tín dụng hoặc tài sản đảm bảo đủ để vay vốn, nên họ phải tìm đến các nguồn vốn không chính thức với nhiều rủi ro, lãi suất cao.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu nhìn rộng hơn, với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tài chính, thì việc đổi mới quy định đối với các loại hình mới tham gia cung ứng dịch vụ tài chính như fintech là giải pháp phù hợp.

Vì thế, ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung khổ pháp lý riêng biệt cho công ty fintech để cùng với ngân hàng truyền thống đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính tới tệp khách hàng một cách thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ số. “Với tỷ trọng người dân Việt Nam tiếp cận Internet trên 80%, dư địa để tăng tỷ lệ người trưởng thành tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính là rất lớn” TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

TS. Hoàng Văn Ninh cũng cho hay, hoảng 50% tiểu thương cho biết họ thiếu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc quản lý tài chính không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Vì thế, theo TS. Hoàng Văn Ninh, cần nâng cao khả năng quản lý và kiến thức tài chính, đào tạo và hỗ trợ tiểu thương về kỹ năng quản lý tài chính và kinh doanh. Nhưng điều quan trọng hơn là khuyến khích tiểu thương áp dụng công nghệ trong kinh doanh; tăng cường sự hỗ trợ từ các nền tảng fintech, như hợp tác với các công ty fintech để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, giúp tiểu thương tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời giảm bớt rủi ro từ các hình thức tín dụng đen.

Lãi suất cho vay vẫn duy trì mức thấp từ nay đến quý IV/2024
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Khách hàng cá nhân (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho rằng, dù chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng nhẹ theo lãi suất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư