Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài
Khánh An - 25/02/2014 11:08
 
Theo Dự thảo Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư  lấy ý kiến, doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có phần vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài với tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ trở lên được xác định là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang gây nhiều tranh cãi.  

Rối vì không cùng cách hiểu

Cho tới thời điểm này, khúc mắc về việc chọn tỷ lệ 10% hay 50% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam để phân loại nhà đầu tư nước ngoài vẫn là tâm điểm tranh luận.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài đang được quy định gồm 3 đối tượng

Trong hội thảo lấy ý kiến các thành viên của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các doanh nghiệp trong nước về Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được tổ chức, hai luồng ý kiến tiếp tục lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình.

Bà Nguyễn Thanh Trà, thành viên của VBF tiếp tục nêu ra khúc mắc từng tồn tại nhiều năm nay, đó là nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần dưới 49% có phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư hay không.

“Chúng tôi không rõ, giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp này sẽ cấp cho nhà đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp mà nhà đầu tư góp vốn. Chúng tôi đề xuất, trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục thay đổi thành viên. Còn nếu tỷ lệ trên 50%, thủ tục thực hiện là đăng ký đầu tư và không phải xin giấy chứng nhận đầu tư”, bà Trà đề xuất.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Hải, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Nghệ An lại lo lắng về câu chuyện quản lý và giữ quan điểm rằng, doanh nghiệp có 1% vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cũng là nhà đầu tư nước ngoài.

Phân biệt vì quyền kinh doanh

Cũng phải nói thêm, trong cả 2 dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, khái niệm nhà đầu tư nước ngoài đang được quy định gồm 3 đối tượng, trong đó, hai đối tượng dễ thống nhất là tổ chức/cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức/cá nhân đăng ký thành lập ở nước ngoài. Sự lấn cấn rơi nhiều vào đối tượng doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam có phần vốn góp của tổ chức/cá nhân nước ngoài với tỷ lệ từ 50% vốn điều lệ trở lên...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Thư ký Tổ thường trực Ban Soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cho biết, có vẻ như hiện chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, đối tượng thứ nhất là nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần; đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài - thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, gắn trực tiếp với thương quyền cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực.

Nghĩa là, chỉ cần làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài thì khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rất rõ ràng, vì theo Dự thảo Luật Đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

“Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi đã đề xuất không hạn chế quyền góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, trừ một số trường hợp bị hạn chế theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế. Điều này có nghĩa là, thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là như nhau, không phải làm thủ tục đầu tư”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh, sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chỉ bắt đầu được sử dụng khi nhà đầu tư thực hiện các quyền kinh doanh cụ thể.

Ví dụ, trong Dự thảo Luật Đầu tư, khi được xác định là nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong một số trường hợp, như dự án có đề nghị giao đất, thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện…

“Về tỷ lệ trên 50%, chúng tôi cũng dựa trên xu thế về mở cửa rộng hơn thương quyền của Việt Nam trong các ngành nghề, lĩnh vực. Ngay cả các quy định hiện tại liên quan đến chứng khoán, đầu tư cũng đã hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp thừa nhận tỷ lệ này”, ông Hiếu cho biết thêm.

Theo kế hoạch, hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trước khi hoàn tất, trình Chính phủ dự kiến trong tháng 4/2014.

Loại dần việc tùy tiện trong kê khai vốn
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) yêu cầu công ty TNHH phải hoàn tất trách nhiệm góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày (thay vì 3 năm như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư