Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Làm rõ nghi án "chạy luân chuyển" của ông Trịnh Xuân Thanh: Tiến công mạnh vào chạy chức, chạy quyền
Mạnh Bôn - 15/06/2016 08:05
 
Vụ việc liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đang tiếp tục làm nóng dư luận. Chia sẻ với Báo Đầu tư liên quan đến nghi án “chạy luân chuyển” này, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương hy vọng đây là tiếng súng báo hiệu cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền bắt đầu.

Với 55 năm làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng, ông nghĩ gì về vụ ông Trịnh Xuân Thanh?

Việc ông Thanh thách thức pháp luật, thách thức dư luận khi sử dụng xe ô tô siêu sang (xe ô tô Lexus 570) gắn biển xanh chỉ là một chuyện coi thường phép nước trong số hàng chục chuyện khác mà nhân vật này đã từng làm trong quá khứ, nhưng chưa bị phát hiện. Vấn đề đặt ra là, chắc chắn có nhiều người biết chuyện này, nhưng không ai dám tố cáo với các cấp có thẩm quyền, tố cáo với người có trách nhiệm vì sợ bị trả thù. Điều này có nghĩa là ông Thanh có những cái ô rất to, nên không ai dám làm gì ông ta cả.

Chắc ông rất buồn khi mà người dân vì sợ bị trả thù, vì sợ mất miếng cơm manh áo nên không ai dám đứng ra tố cáo những người vi phạm?

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển diễn ra rất nhiều không phải chỉ ở Trung ương mà diễn ra ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nói chung ở đâu cũng có, không ít thì nhiều, không ở mức độ nọ thì ở mức độ kia.

.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương

Tình trạng này diễn ra phổ biến tới mức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất bức xúc khi phát biểu tại nhiều hội nghị về việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển. Thậm chí, người đứng đầu của Đảng còn sử dụng từ “vua con” để chỉ những người này và yêu cầu các cơ quan chức năng phải phanh phui, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, tham ô, tham nhũng, nhằm lấy lại lòng tin của dân với Đảng, với chế độ.

Tình trạng “chạy mọi thứ” không phải bây giờ mới có mà diễn ra từ rất lâu rồi. Bản thân cố nhà báo Hữu Thọ cũng vô cùng bức xúc về chuyện này, nên đã viết cả một chuyên đề về “chạy” từ chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy tội… đến chạy bằng, chạy cấp và giờ là chạy luân chuyển.

Từ câu chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh, ông suy nghĩ gì về công tác cán bộ?

Tôi trăn trở nhiều câu hỏi. Ông Thanh chịu trách nhiệm làm thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng ở PVC tại sao không bị xử lý, kỷ luật mà lại thăng quan tiến chức rất nhanh? Chắc chắn phải có đường dây nâng đỡ ông Thanh? Đường dây này gồm những ai?

Chuyện ông Thanh giải thích cái xe siêu sang đang sử dụng là xe đi mượn đến trẻ con cũng không tin vì ai cũng tin chắc rằng đây là xe của ông Thanh. Như vậy ông này có rất nhiều tiền, vậy tiền ở đâu ra? Tôi đi theo cách mạng 70 năm, 65 năm tuổi Đảng, đã từng làm đến Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương mà tổng số tài sản của tôi không thể mua nổi chiếc ô tô trị giá 1 tỷ đồng thì tiền đâu mà ông Thanh cũng như nhiều vị cán bộ khác sống xa hoa? Và cuối cùng, ngoài ông Thanh còn bao nhiêu người chưa bị lộ?

Nhưng việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cấp cao được thực hiện với quy trình rất chặt chẽ?

Chặt chẽ thế mà vẫn lọt, nếu không có báo chí, dư luận phát hiện ra thì nhân vật này còn tiến xa hơn nữa trên con đường công danh. Với cách chạy vòng vèo, nhân vật này có thể sẽ trở thành lãnh đạo cao cấp ở Trung ương, chứ không phải chỉ làm ở Hậu Giang và nếu điều này diễn ra, thì đúng là thảm họa cho Đảng, cho chế độ.

Quy trình chặt chẽ, sàng lọc rất kỹ như vậy mà ông Thanh vẫn lọt chứng tỏ vị này phải có ô dù rất lớn che chắn, nâng đỡ. Tôi phát biểu điều này không hề võ đoán, mà nhiều người từng quen biết, làm việc với ông Thanh còn cho biết, ông ta nổi tiếng tới mức còn có tên là Thanh “giới”. Tức là rất nhiều người biết những việc khuất tất của ông Thanh, nhưng không ai tố cáo vì như tôi nói hoặc là sợ bị trả thù, trù úm, hoặc là cũng có lợi ích khi ông Thanh “leo cao, tiến sâu”.

Như ông hy vọng, vụ ông Trịnh Xuân Thanh là tiếng súng hiệu cho cuộc tổng tiến công vào tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền?

Tôi và tất cả người dân hy vọng như vậy. Sau vụ ông Thanh sẽ có hàng loạt nhân vật khác cũng bị phanh phui nếu Đảng quyết tâm chống tham ô, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, lấy lại và củng cố niềm tin của người dân với Đảng, với chế độ.

Với tư cách là người đã theo cách mạng tròn 70 năm với 65 tuổi Đảng, tôi mong muốn rằng, vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cần được xử lý đến nơi, đến chốn, phải bóc được đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển để đưa ra công luận và xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bởi với những con người này mà còn nằm trong bộ máy lãnh đạo mà những Đảng viên lão thành không dám đứng ra chống tiêu cực thì đúng là thảm họa cho đất nước.

Danh sách 44 cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có thông báo tới các tỉnh, thành ủy, các cơ quan liên quan về việc 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư