Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Làm rõ "nghịch lý" doanh nghiệp ngừng hoạt động và thu ngân sách đều tăng cao
Nguyễn Lê - 20/10/2022 10:54
 
"Nghịch lý" này được Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

"Nghịch lý" này được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ, khi thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Thu từ cổ phần hoá 3 năm không đạt

Trình bày nội dung này trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội vào sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu đánh giá của cơ quan thẩm tra là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.

Ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, cơ quan thẩm tra khái quát.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, năm 2022, xây dựng dự toán thu NSNN không sát thực tế, còn quá thận trọng có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa, thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%.

"Tỷ trọng thu ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo Chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội", cơ quan thẩm tra nhìn nhận.

Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra  đề nghị phân tích, báo cáo làm rõ việc thu NSNN tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và Nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong 9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng), cơ quan thẩm tra nêu số liệu liên quan.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, thu NSNN 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.

 Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, thu NSNN có dấu hiệu giảm trong những tháng sắp tới, không giống xu thế thông thường cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ, ông Thanh phản ánh. 

Chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn

Với kế hoạch năm 2023, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp. Như, cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước kể cả từ phía cầu và chi phí đẩy, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Cơ quan của Quốc hội cho rằng, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính.

Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, báo cáo thẩm tra nêu.

Giải pháp tiếp theo được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý là duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng. Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước. Khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với chính sách tài khóa, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công.

Cơ quan của Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.

Theo Ủy ban Kinh tế, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nghị trình, sáng 22/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách. 

Thủ tướng: Công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội kết qủa thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư