Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm rõ nguyên nhân tăng diện tích rừng, đất rừng phải chuyển đổi khi làm cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Nguyễn Lê - 11/06/2024 17:05
 
Trong quá trình thực hiện dự án có phát sinh tăng diện tích rừng 438,3 ha, đất rừng tăng 582,93 ha, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên tăng 152,55 ha so với Nghị quyết 273.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chiều 11/6 Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Nghị quyết số 273 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (dự án).

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Minh Ngân cho biết, trong quá trình thực hiện dự án có phát sinh tăng diện tích rừng 438,3 ha, đất rừng tăng 582,93 ha, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 152,55 ha so với Nghị quyết 273.

Lý do tăng, theo ông Ngân là do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để bảo đảm tính kinh tế - kỹ thuật; cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp; xác định chính xác hơn ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của Dự án.

Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án như phát sinh trên.

Gợi ý thảo luận, về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệnh diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa từ hai vụ trở lên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, qua khảo sát cho thấy, ngoài các nguyên nhân nêu trên thì việc tăng diện tích chủ yếu do tại bước phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) đã được bổ sung hạng mục công trình (Dự án thành phần Vũng Áng - Bùng: bổ sung nút giao với đường Tiến - Châu - Văn Hóa tại Km 597+900 đẫn đến tăng 13,35 ha rừng tự nhiên và 45,21 ha rừng trồng).

Đồng thời, các địa phương có cách hiểu, triển khai thực hiện khác nhau trong việc thống kê diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trong việc sử dụng diện tích bãi đổ thải, mỏ vật liệu, khu tái định cư, nghĩa trang... cho Dự án, dẫn đến có địa phương (như Quảng Ngãi, Phú Yên...) thống kê các diện tích này vào phần tăng thêm, có địa phương cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên sử dụng cho các mục đích này thuộc thẩm quyền của địa phương (như Hà Tĩnh).

Phát biểu sau đó, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, ngân sách cho rằng dự án đang thi công thì không thể dừng, nhưng số liệu chênh lệch quá lớn như vậy có phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hay không. Mà thực tế thì cũng đã điều chỉnh rồi, như thế có phải tiền trảm hậu tấu không?

Chia sẻ với đề xuất của Chính phủ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy nói bà rất lo lắng khi mà số liệu chênh lệch quá lớn. Trong khi đó, khi đề xuất đầu tư thì báo cáo là đã tính toán kỹ, hướng tuyến tối ưu. Chưa kể là chưa có phương án trồng rừng thay thế đã thi công, cần làm rõ trách nhiệm việc này, bà Thủy nêu quan điểm.

Lập dự án kiểu này vô lý lắm, ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh nhận xét, dù cho rằng việc điều chỉnh là kịp thời.

Báo cáo giải trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm khẳng định việc trình điều chỉnh không phải là “tiền trảm hậu tấu”, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thì các địa phương đều chưa dám làm.

Việc chuyển đổi này không làm tăng tổng mức đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt, ông Lâm khẳng định và cho biết sẽ rút kinh nghiệm với các đơn vị khảo sát, tư vấn thiết kế.

Cần thiết phải điều chỉnh song phải đúng mục đích và làm rõ nguyên nhân tăng diện tích của từng loại đất và thuyết minh rõ từng hạng mục để hoàn chỉnh số liệu,

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Ông Thanh cũng đề nghị Chính phủ khẳng định việc có cần điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án không, vì vấn đề đó thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Lâm Đồng khẩn trương hoàn tất thủ tục, giải ngân vốn cho 2 dự án cao tốc
Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, tập trung hoàn thiện các hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và hồ sơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư