Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Làm theo lời Bác, đưa Tiền Hải phát triển nhanh, bền vững
Mạnh Tùng - Phương Liên - 19/05/2022 09:42
 
Sáu mươi năm qua, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình khắc sâu lời Bác dạy, vượt lên bao thách thức của một vùng đất ven biển, đi đầu trong công cuộc khai hoang, lấn biển cũng như công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thái Bình, huyện  Tiền Hải trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đi đầu công cuộc phát triển kinh tế

Huyện Tiền Hải là huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam tỉnh Thái Bình. Là một trong 2 huyện ven biển nằm kẹp giữa hai cửa sông lớn là sông Trà Lý và sông Hồng, có diện tích đất tự nhiên là 225,6 km2, dân số trên 215 nghìn người, được thiên nhiên ưu đãi với 23km bờ biển, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng của tỉnh Thái Bình cũng như vùng duyên hải Bắc bộ.

Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải vững vàng vượt qua biết bao khó khăn thách thức của một vùng đất biển bạt ngàn bãi bồi hoang vu, lau lách, cỏ dại um tùm, đi đầu trong công cuộc “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”, quai đê lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, khai thác hiệu quả tiềm năng của biển trời cho.

Tiền Hải cũng là huyện đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong chiến lược phát triển kinh tế huyện Tiền Hải đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, huyện Tiền Hải luôn xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong phát triển kinh tế, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn trọng tâm cần quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2016, Khu công nghiệp Tiền Hải tiếp tục được Thủ tướng chính phủ đồng ý mở rộng thêm 215 ha, nâng tổng diện tích lên 466 ha, cùng với 4 cụm công nghiệp Trà Lý, Tây An, An Ninh, Nam Hà tạo mặt bằng thu hút hàng trăm dự án với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng, sản xuất vật liệu sứ vệ sinh, vật liệu xây dựng, khí mỏ, nước khoáng … cùng một số ngành nghề khác mang đến cơ hội việc làm cho trên 20.000 lao động. Nhiều sản phẩm như gạch men sứ Long Hầu, Mikado, sứ cao cấp Hảo Cảnh, Đông Lâm, pha lê Việt Tiệp, nước khoáng Tiền Hải... từ đây tỏa đi phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, huyện đang tập trung quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho nhà đầu tư để các nhà đầu tư hạ tầng tích cực triển khai. Quy hoạch Khu kinh tế, khu du lịch Cồn Vành được phê duyệt là tiền đề để huyện phát triển đồng bộ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Hải.

Năm 2022, Tiền Hải phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 13,1% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 92% trở lên; xây dựng chính quyền vững mạnh đạt 85% trở lên…

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đi vào hoạt động hiệu quả. Khu du lịch Đồng Châu, Cồn Vành... được khai thác tiềm năng. Hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch năm 2020 đạt 2.744 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015. Bên cạnh đó, các làng nghề của huyện nổi bật như sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản... tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Đó là nền tảng tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp của Tiền Hải liên tục tăng mạnh, như bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 22,42%. Năm 2020, giá trị công nghiệp đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Lĩnh vực xây dựng bình quân 5 năm tăng trưởng 17,17%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là thủy sản chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tích tụ đất đai, chuỗi giá trị. Giống lúa chất lượng cao đạt trên 40% diện tích, năng suất đạt gần 130 tạ/ha. Tiền Hải đã ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm gắn với tăng vụ. Đặc biệt đã quy hoạch và phát triển vùng ươm ngao giống trên 300 ha. Tất cả đã đưa tiềm năng “biển bạc” của gần 5.000 ha bãi bồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng thủy sản liên tục tăng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được hình thành, nhiều sản phẩm OCOP đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao, ngày càng nhiều doanh nghiệp, đầu mối chế biến cung cấp nguyên liệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại nhiều công trình giao thông, xây dựng, như đường cứu hộ cứu nạn 221C, đường ĐH35, đường 8A, 8C, đường đê 5, đê 6, cầu Cổ Rồng, An Ninh, Chợ Vồng, khu neo tàu thuyền tránh bão, trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện, cùng với các tuyến đường trọng điểm của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển đang khẩn trương thi công phấn đấu đi vào hoạt động vào cuối năm 2023, tuyến đường 221A từ thị trấn Tiền Hải đi Khu du lịch sinh thái Cồn Vành đã có thể thông xe kỹ thuật; nhiều cụm công nghiệp thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo sản phẩm mới như cụm công nghiệp An Ninh cùng nhiều công trình văn hóa xã hội được đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Từ đó, nền kinh tế Tiền Hải liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 12,77%/năm, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Cụ thể, nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 34,39% (giảm 6,83%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng nhanh, chiếm 65,61%. Tổng vốn đầu tư phát triển đến năm 2020 ước đạt 5.735,4 tỷ đồng, tăng 667,4 tỷ đồng so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVII đề ra. Thu ngân sách năm 2020 đạt 1.892 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2015.

Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới huyện Tiền Hải đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong huyện. Từ những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tháng 10/2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là kết quả nổi bật, là niềm vui, nguồn động viên to lớn, ghi nhận những nỗ lực và quyết tâm phấn đấu rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải.

Khai thác hiệu quả Khu kinh tế

Năm 2022 và các năm tới, thời cơ, vận hội mới đang mở ra tương lai tươi sáng  cho Tiền Hải. Tiền Hải xác định phát triển Khu kinh tế Thái Bình cũng chính là phát triển cho quê hương Tiền Hải. Để đạt được, Tiền Hải tiếp tục quán triệt và hoàn thành thành công 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVIII đề ra. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI). Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị ven biển; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bền vững, hiệu quả. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực gắn với xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong phát triển Khu kinh tế Thái Bình. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đường bộ ven biển, đường 221A, các dự án trong Khu kinh tế Thái Bình, thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào các cụm công nghiệp… 

Rà soát để quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch mới các xã, thị trấn, cụm công nghiệp; tập trung huy động các nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư; tăng cường xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp - xây dựng, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút  ngành công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường và phục vụ nông nghiệp.  

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sớm thu hút các dự án đi vào hoạt động. Điều hành tài chính - ngân sách linh hoạt theo chỉ đạo của tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước ở cả 2 cấp; nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý đầu tư, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Phát triển hợp lý, an toàn các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chủ lực mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến.

Giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn, hoàn thành quy hoạch nông thôn mới nâng cao ở các xã đến năm 2030.

Tích cực đổi mới sáng tạo, thực hiện và hoàn thiện đồng bộ, hiệu quả cải cách hành chính; xây dựng nền hành chính, chính quyền phục vụ doanh nghiệp và người dân, tất cả vì công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đưa Tiền Hải phát triển nhanh, bền vững.

Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt
Chiều 15/2, tại cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022 để kích cầu tiêu thụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư