Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 09 tháng 02 năm 2025,
Lãng phí ngàn tỷ từ các dự án hạ tầng chậm tiến độ - Bài 1: Dự án dừng thi công, tiền lãi phát sinh ngàn tỷ đồng
Lê Quân - 09/02/2025 08:23
 
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi một số dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) phải dừng thi công, nhưng thời điểm tái khởi động vẫn chưa được xác định, khoản tiền lãi phát sinh lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Nhiều dự án hạ tầng tại TP.HCM đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) khởi công cách đây gần 10 năm, nhưng do những vướng mắc, mâu thuẫn và thay đổi về quy định pháp lý, nên đến nay vẫn bị “đứng hình”, gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án tăng lên từng ngày vì giá cả biến động và lãi phát sinh. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn tại đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dự án tắc nhiều năm vì pháp lý

Cách đây gần 10 năm, TP.HCM tổ chức Lễ khởi công Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn I, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (gọi tắt là Dự án Chống ngập). Tại thời điểm đó, tiến độ của Dự án được đưa ra là hoàn thành năm 2018 nhằm kiểm soát ngập do triều cường trên diện tích 570 km2, tác động tới khoảng 6,5 triệu người dân TP.HCM.

Dự án Chống ngập tại TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ách tắc 5 năm chưa được giải quyết, gây lãng phí nguồn lực
Dự án Chống ngập tại TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ách tắc 5 năm chưa được giải quyết, gây lãng phí nguồn lực

Sau khi khởi công, Dự án đã tạm dừng thi công 3 lần: lần thứ nhất tạm dừng 10 tháng; lần thứ 2 tạm dừng 8 tháng; lần thứ 3 tạm dừng từ ngày 15/11/2020 đến nay, song những vướng mắc về thủ tục vẫn chưa được tháo gỡ.

Suốt 5 năm qua, những hạng mục đã hoàn thành không được đưa vào sử dụng nằm phơi nắng, phơi mưa rất lãng phí, trong khi người dân ở các khu vực trũng thấp của TP.HCM luôn thấp thỏm lo ngập lụt mỗi khi triều cường.

Ông Phạm Văn Thành (ngụ tại thị trấn Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, mỗi đợt triều cường, con hẻm vào nhà ông lại ngập sâu quá đầu gối. Cứ mỗi khi nghe tin Dự án Chống ngập khởi động trở lại, ông Thành và bà con trong xóm mừng hơn “bắt được vàng”. Nhưng rồi, công trình liên tục trễ hẹn.

“Khi Dự án Chống ngập khởi công, chúng tôi vui mừng bao nhiêu, thì bây giờ hụt hẫng bấy nhiêu. Gần 10 năm nay, công trình vẫn không thể hoàn thành, còn người dân thì sống trong nỗi lo sợ mỗi khi triều cường. Mong Nhà nước sớm làm xong Dự án, chứ kéo dài thế này chúng tôi khổ lắm”, ông Thành bức xúc.

Cùng thực hiện đầu tư theo hình thức BT, Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, TP.HCM (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức) cũng tạm dừng thi công 5 năm qua. Đến nay, các thủ tục điều chỉnh Dự án và thanh toán quỹ đất vẫn tắc.

Dự án này khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng và các quy định đầu tư theo hình thức BT thay đổi, Dự án tạm dừng thi công từ năm 2020.

Một dự án BT khác cũng khiến người dân TP.HCM rất bức xúc mỗi lần đi qua là Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Dự án tọa lạc tại khu đất “vàng” trên diện tích 1,44 ha ở trung tâm quận 3, được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT năm 2010 và được phê duyệt dự án vào năm 2016, nhưng chưa kịp khởi công, thì hình thức đầu tư BT bị “khai tử”, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, có hiệu lực từ đầu năm 2021. Từ đó đến nay, Dự án bế tắc, không thể triển khai.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 12/2023, khi trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Người dân Thành phố mỗi lần đi qua Trung tâm Thể dục - thể thao Phan Đình Phùng đều nhức mắt, còn tôi rất khó chịu việc này”.

Sau nhiều năm không gỡ vướng được cho Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, cuối tháng 4/2024, UBND TP.HCM quyết định dừng đầu tư dự án này theo hình thức BT để chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách của Thành phố.

Giải thích nguyên nhân Dự án Chống ngập 10.000 tỷ đồng đình trệ nhiều năm, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra vào tháng 11/2024, ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Hợp tác công tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết, đây là dự án chống ngập đầu tiên đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có quy mô lớn nhất trên địa bàn TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 285, ngày 20/8/2015. Dù đã hoàn thành đến 90%, nhưng Dự án kéo dài do sự thay đổi liên tục về các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng BT. Hiện nay, Thành phố chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư Dự án vì các điều kiện giải ngân khoản vay, tái cấp vốn cho Dự án đã hết hạn. Chính vì thế, nhà đầu tư không thể vay vốn để hoàn thành nốt phần còn lại của Dự án.

Tương tự, với Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, TP.HCM chưa thể thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư vì vướng các quy định pháp lý. Hơn nữa, Dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư, nên hai bên chưa thống nhất được việc điều chỉnh Dự án.

Lãi phát sinh hàng ngàn tỷ đồng

Từ năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư Dự án Chống ngập) liên tục gửi văn bản “kêu cứu” và kiến nghị TP.HCM thực hiện các thủ tục để thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã ký, nhưng mọi việc được tiến hành rất chậm.

Theo báo cáo mới nhất của nhà đầu tư, tổng chi phí lãi vay của Dự án tính đến ngày 3/1/2025 là 2.645 tỷ đồng. Do lãi vay tăng lên từng ngày, nên tổng mức đầu tư Dự án Chống ngập theo tính toán của nhà đầu tư đã tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 15.400 tỷ đồng (tính đến thời điểm tháng 1/2025).

Hiện tại, việc chậm thanh toán quỹ đất khiến Dự án phát sinh lãi vay 1,74 tỷ đồng/ngày. Phía doanh nghiệp cho rằng, việc tạm dừng và kéo dài Dự án do các vướng mắc mà nhà đầu tư không thể giải quyết được và không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, dẫn đến lãi vay phát sinh liên tục. Nếu Dự án tiếp tục kéo dài, thì lãi vay phát sinh càng lớn, gây lãng phí rất lớn đối với ngân sách của Thành phố. Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị TP.HCM cho phép tiến hành song song các thủ tục và thi công nốt phần còn lại để giảm số lãi phát sinh.

Bên cạnh vấn đề thanh toán quỹ đất, để giảm tiền lãi phát sinh, nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán khối lượng công trình và giá trị của Dự án để thực hiện các bước tiếp theo; đồng thời thực hiện điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi, điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án.

Tình trạng lãi phát sinh tăng từng ngày do đình trệ kéo dài cũng diễn ra tại Dự án 2,7 km đường Vành đai 2. Ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) cho biết,  Dự án mới thi công được 44% khối lượng công việc. Từ năm 2020 đến nay, Dự án tạm dừng thi công do vướng mặt bằng và chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT.

Trong suốt 5 năm qua, nhà đầu tư đã cùng các sở, ngành của TP.HCM rà soát hợp đồng BT để đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất, song đến nay vẫn chưa hoàn tất, nhà đầu tư cũng chưa được thanh toán quỹ đất.

Ông Vinh cho biết, nhà đầu tư đã chi ra khoảng 2.200 tỷ đồng để thực hiện Dự án. “Hiện lãi suất phát sinh của Dự án tiếp tục tăng, trung bình mỗi tháng 14 tỷ đồng. Vì vậy, việc gỡ vướng cho Dự án càng chậm, thì càng gây lãng phí cho ngân sách Thành phố”, ông Vinh nói.

(Còn tiếp)

Các dự án BT tại TP.HCM đang bị ách tắc, gây lãng phí

- Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I), tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018, đình trệ do vướng mắc về pháp lý. Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư tính đến đầu năm 2025 tăng từ 9.976 tỷ đồng lên 15.400 tỷ đồng (tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được phê duyệt).

- Dự án đường Vành đai 2 (đoạn 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP. Thủ Đức), tổng mức đầu tư 2.765 tỷ đồng, khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2019. Do chậm tiến độ, Dự án tạm dừng thi công từ năm 2020 đến nay. Số tiền lãi đang phát sinh tại Dự án là 14 tỷ đồng/tháng.

- Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT năm 2010 và được phê duyệt dự án vào năm 2016. Tính đến nay, tổng mức đầu tư Dự án tăng lên thành 1.953 tỷ đồng. Do vướng mắc trong việc đầu tư theo hình thức BT, cuối tháng 4/2024, UBND TP.HCM quyết định chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách Thành phố.
Ba dự án hạ tầng trọng điểm cùng về đích: Huyện Nhà Bè hút mạnh nhà đầu tư
Ba dự án hạ tầng trọng điểm cùng “hẹn” về đích trước thềm năm mới, cộng hưởng cùng thông tin quy hoạch giai đoạn 2025-2030, huyện Nhà Bè...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư