Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC): Việt Nam vẫn là điểm đến triển vọng
Phương Thu - 01/03/2017 07:50
 
Theo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản trong trung hạn. Ông Noriyasu Yuge, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách và Chiến lược đối với các hoạt động tài chính của JBIC tại Nhật Bản, nguyên Trưởng văn phòng JBIC tại Việt Nam trao đổi về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Báo cáo mới đây nhất của JBIC về hoạt động đầu tư ngoài nước của các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản cho thấy, trong vòng 3 năm tới, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, xếp hạng của Việt Nam đã tăng lên. Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

Chúng tôi làm khảo sát hàng năm để nghiên cứu xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản. Theo báo cáo năm 2016 trên cơ sở khảo sát 1.012 doanh nghiệp Nhật Bản, sản xuất và kinh doanh ở nước ngoài vẫn tiếp tục tăng trong trung hạn, trong đó điểm đến Việt Nam đứng hàng đầu.

Lý do lớn nhất để Việt Nam trở thành điểm đến triển vọng là tiềm năng của thị trường trong tương lai. Chẳng hạn, GDP của Việt Nam đã tăng gần 3 lần trong 10 năm qua. Với sự phát triển năng động, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tương lai của thị trường nội địa, chiếm 74,7% trong các tiêu chí.

.
Ông Noriyasu Yuge, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách và Chiến lược đối với các hoạt động tài chính của JBIC tại Nhật Bản, nguyên Trưởng văn phòng JBIC tại Việt Nam

Trước đây, lao động giá rẻ được coi là tiêu chí đầu tiên hấp dẫn nhà đầu tư tại Việt Nam, nhưng điều này đã thay đổi theo thời gian. Khi nền kinh tế phát triển, các lợi thế so sánh của Việt Nam cũng thay đổi và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải phản ứng một cách phù hợp. Các nhà hoạch định chính sách cũng nhận thấy rằng, lao động giá rẻ đang gần cạn kiệt và cố gắng để thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển một cách bền vững hơn, dựa trên năng suất lao động.

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến các lĩnh vực nào trong thời gian tới và đâu là những rào cản lớn nhất cần được loại bỏ về môi trường đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?

Theo ngành công nghiệp, Việt Nam đứng thứ ba về tiềm năng đối với các thiết bị điện và điện tử, đứng thứ năm trong lĩnh vực hóa chất và đứng thứ bảy trong lĩnh vực ô tô. Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là “việc thực thi hệ thống pháp luật không rõ ràng”. Trong khi đó, khó khăn đứng thứ hai được chỉ ra là việc tuyển dụng và bảo đảm nhân viên quản lý cấp cao và cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Mặc dù đã có nhiều cải thiện ấn tượng gần đây, nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng.

Đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam luôn đứng ở vị trí dẫn đầu trong nhiều năm qua, nhưng gần đây lại nhường vị trí này cho Hàn Quốc. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Trong 3 thập niên rót vốn sang các nước ASEAN, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thiết lập mạng lưới sản xuất chặt chẽ tại các nước này. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc là nhà đầu tư mới và đang háo hức mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Sự khác biệt này có thể giải thích về vị trí xếp hạng của các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện nay trong đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tham gia các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Chính phủ về các dự án hạ tầng, các dự án năng lượng. Khi các dự án này được triển khai, thì doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giành lại vị trí nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam.

Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam phát triển các dự án hạ tầng. Vai trò của JBIC trong các hoạt động này ra sao?

JBIC là tổ chức tài chính được quản lý bởi Chính phủ Nhật Bản, hoạt động với sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản. Ở Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án hạ tầng, cũng như lĩnh vực sản xuất. Chúng tôi đã cung cấp vốn vay cho Dự án BOT Điện Phú Mỹ 2-2, Dự án Liên hiệp Lọc dầu Nghi Sơn… Hơn nữa, xét về bản chất của các dự án hạ tầng, sự phối hợp của chính quyền sở tại và nhà đầu tư là không thể thiếu và chúng tôi sẽ làm việc như cầu nối giữa Chính phủ và các nhà đầu tư.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 28/2
Chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu lần này mang ý nghĩa giao lưu hữu nghị giữa hai quốc gia và nhận được rất nhiều sự quan tâm của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư