Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về sẽ không bị phạt?
Hải Hà - 30/06/2015 08:46
 
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn quốc cư trú bất hợp pháp có cơ hội đăng ký tự nguyện về nước từ 22/5 mà không bị xử phạt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa áp dụng việc không xử phạt.

Bộ tư pháp Hàn Quốc trước đó đã chính thức thông báo sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Kể từ ngày 22/5, Hàn quốc bắt đầu triển khai rộng rãi chương trình đăng ký tự nguyện về nước dành cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

 

Với chương trình này, người Việt nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc bất kể từ thời gian nào có thể mang theo hộ chiếu hoặc giấy thông thành còn hiệu lực và vé máy bay tự đăng ký thủ tục để về nước tại phòng xuất nhập cảnh ở tất cả các sân bay quốc tế nơi dự định xuất cảnh bất kỳ lúc nào và được miễn đóng tiền phạt, không bi tạm giam, hồi hương trong danh dự.

Đối với những người cư trú bất hợp pháp và tự nguyện về nước thì sẽ được xem xét rút ngắn thời gian cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc xuống còn 2 năm.

Với những người cố tình ở lại Hàn Quốc, phía Hàn quốc cũng thực hiện gắt gao việc truy quét người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Những người bị bắt sẽ bị phạt, bị trục xuất về nước và cấm nhập cảnh Hàn quốc trong thời hạn tối đa 10 năm.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 10/10/2013, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng nếu có các hành vi như cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại sau khi hết hạn hợp đồng lao động và hết hạn cư trú.

Trả lời việc nếu người lao động tự nguyện về Việt Nam theo chương trình này có bị xử phạt theo quy định Nghị định 95 không, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xem xét đây là thông báo của Bộ Tư pháp Hàn Quốc hay Chính phủ Hàn Quốc bởi đối tác của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chứ không phải Bộ Tư pháp Hàn Quốc.

“Nếu Bộ Tư pháp Hàn Quốc không thông qua 2 bộ đang hợp tác với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là Bộ  Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thì chúng tôi không thể trình Chính phủ ban hành thông tư không xử phạt theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc được”, ông Nam nói.

Tại thị trường Hàn Quốc, người lao động bất hợp pháp không phải lao động bỏ trốn mà là lao động đã hết hạn hợp đồng 4 năm 10 tháng không về nước bởi lý do khi mới sang thu nhập của người lao động khoảng 1.000 USD thì con số này sẽ tăng lên tới 2.000 USD/tháng năm thứ 4, thứ 5.

Mặc dù trong số 15 thị trường đang xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc không một nước nào khẳng định là không có lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ trốn hiện của Việt Nam là khá cao ở mức 40% so với tỷ lệ trung bình của 15 thị trường là 21%.

Ông Nam cũng khẳng định nếu như các cơ quan nước sở tại làm gắt gao trước đó thì sẽ không có tình trạng bỏ trốn bởi lao động hợp pháp hay bất hợp pháp đều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Vấn đề chính của những lao động bất hợp pháp chỉ là gây khó khăn trong quản lý. Do đó, trước sức ép dư luận và cơ quan quản lý, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc bắt buộc làm gắt gao.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn cao do nước này vẫn “giơ cao đánh khẽ” với chủ sử dụng lao động bất hợp. Mặc dù mức phạt với những đối tượng này được quy định là khá cao.

Tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam dịp cao điểm nhất 59% giữa và cuối năm 2012. Trong khi đó, lẽ ra thời điểm hai bên ký kết biên bản ghi nhớ là 28/8/2012. Do tỷ lệ này lên cao dẫn tới việc 2 bên thống nhất tạm dừng ký kết để triển khai các biện pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp.  

Ông Hải cho biết, với những biện pháp giáo dục người lao động, xử lý xử phạt vi phạm hành chính, phối hợp nhiều cơ quan để làm tốt truyền thông đến làng, bản, địa phương về lợi ích của việc người lao động về nước đúng hạn, tỷ lệ này có lúc giảm đến mức thấp nhất là 31%. Mặc dù vậy, tỷ lệ hiện nay đã tăng lên 40%.

“Cư trú bất hợp pháp đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Nếu điểm cộng của Việt Nam là thái độ, kỹ năng thì điểm trừ lớn nhất là lao động bất hợp pháp. Việc này khiến cho phía Hàn Quốc triển khai biện pháp đến cuối năm 2013 chỉ ký biên bản ghi nhớ tiếp nhận một số nhóm đối tượng được làm việc chứ không phải bất cứ nhóm lao động nào của Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 4/2015, biên bản ghi nhớ được ký kết cũng chỉ cho phép 2 nhóm đối tượng được sang làm việc là  những người đã tham gia kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2011 và năm 2012 nhưng chưa được tuyển và những lao động về nước đúng hạn chưa được tuyển lại”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Thống kê của Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp Hàn quốc, hiện Việt nam có 26.340 người lưu trú bất hợp pháp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư