Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Rộng cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Hải Hà - 26/01/2015 09:03
 
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, năm nay sẽ có nhiều cơ hội hơn cho lao động xuất khẩu khi nhiều nền kinh tế mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đặt mục tiêu đưa 100.000 lao động đi xuất khẩu năm 2015
Nguy cơ mất 2 thị trường lao động lớn
Quản lý xuất khẩu lao động bằng bộ quy tắc ứng xử

Được biết, năm 2014, tuy gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn đưa được 106.840 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10% so với kế hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên, xuất khẩu lao động vượt ngưỡng 100.000 người.

Năm 2015, nhiều nền kinh tế sẽ mở rộng việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc
Năm 2015, nhiều nền kinh tế sẽ mở rộng việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc

Năm 2015, Đài Loan sẽ tiếp tục được xác định là thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Theo ông Tống Nam Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chính sách phát triển công nghiệp, mở rộng việc làm và dịch vụ xã hội của Đài Loan đang khiến nền kinh tế này có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn và đây là thị trường lớn nhất đối với lao động xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2014, có tới 60.000 lao động Việt Nam được đưa sang Đài Loan làm việc.

Đài Loan là thị trường rất hấp dẫn đối với lao động Việt Nam, với mức lương bình quân 630 USD/tháng. Thị trường này cũng có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động tương đối đầy đủ, lại gần về địa lý và văn hóa, nên lao động Việt Nam dễ thích nghi và hòa nhập.

Để gia tăng lượng lao động sang thị trường Đài Loan, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ đang xem xét giảm chi phí cho người lao động sang thị trường này.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, Hiệp hội đã thành lập Ban Thị trường Đài Loan. Ban này có nhiệm vụ thống nhất quy trình cung ứng lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan về điều kiện hợp đồng, mức chi phí và chủ động tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Cùng với thị trường chủ lực Đài Loan, tâm điểm khác của xuất khẩu lao động trong năm 2015 là Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp khai thác thị trường này đã tăng chỉ tiêu cung ứng lao động cho năm nay.

Công ty TNHH Nhật Hy Khang đặt chỉ tiêu đưa 800 lao động sang thị trường Nhật Bản. Công ty này đang hợp tác tuyển dụng thường xuyên với 32 nghiệp đoàn của Nhật Bản. Theo lãnh đạo Công ty, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc tăng thời hạn từ 3 lên 5 năm đối với lao động xây dựng và hàn tàu (dự kiến áp dụng từ tháng 4/2015), tạo thêm cơ hội làm việc và cải thiện thu nhập cho người lao động Việt Nam.

Tương tự, đại diện Công ty Xuất khẩu lao động - Thương mại - Du lịch Sovilaco cho biết, mặc dù mới bắt đầu khai thác thị trường Nhật Bản từ năm 2014, với kết quả cung ứng trên 300 lao động, trong năm nay, Công ty tự tin đặt mục tiêu đưa 500 lao động sang thị trường này.

Nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường Nhật Bản đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh vừa học vừa làm trong thời gian tối đa 3 năm. Số lượng thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng vọt, từ 10.000 người năm 2013 lên gần 20.000 người năm 2014.

Một thị trường cũng khá hấp dẫn là Saudi Arabia, với thu nhập 400 - 600 USD/tháng, được miễn phí ăn, ở. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã thành lập Ban Quản lý lao động trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia để quản lý và bảo vệ lợi ích của người lao động.

Còn với lao động trình độ thấp, một lựa chọn hợp lý là thị trường Malaysia, với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Ưu điểm của thị trường này, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (HANIC) là không tốn nhiều chi phí.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư