Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Lập quy hoạch Hà Nội, TP.HCM quá chậm rồi, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng
Nguyễn Lê - 09/03/2022 18:15
 
Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương đang có tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch chậm nhất cả nước.
.
Đoàn giám sát làm việc với TP.HCM (Ảnh: Quochoi.vn).

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" đã làm với lãnh đạo Hà Nội  và TP.HCM trong ngày 9/3.

Đây là hai địa phương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất cả nước. Đến ngày 7/3/2022, Hà Nội mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, còn TP.HCM dự kiến đến quý II/2022 mới được phê duyệt nhiệm vụ này.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo hai thành phố đã báo cáo cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sựu chậm trễ này.

Theo lãnh đạo Hà Nội, nguyên nhân chủ quan là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan. Trong khi đó, cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.

Về nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Hà Nội cho biết, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn.

UBND Thành phố đã có văn bản mời Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tuy nhiên, Viện đang triển khai nhiều nhiệm vụ quy hoạch quốc gia nên chưa bố trí được nhân sự;

Còn lãnh đạo TP.HCM cho rằng, việc lập quy hoạch Thành phố được xác định phải thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu thực tế, có tính khả thi cao và phản ánh xu hướng phát triển, tầm nhìn, khát vọng vươn lên của Thành phố. Tuy nhiên, việc này cũng là nguyên nhân chủ quan dẫn đến quá trình triển khai các bước trong công tác lập quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có tác động của dịch Covid-19, gần nhất là đợt dịch lần thứ 4 vào cuối tháng 4 năm 2021 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế Thành phố. Trong thời gian này, bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác chống dịch và hỗ trợ người dân, Thành phố cũng phải xem xét, rà soát thật kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội để điều chỉnh tầm nhìn, định hướng phát triển Thành phố cũng như điều chỉnh lại định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cho phù họp với điều kiện hiện tại và phù họp với với các kịch bản tăng trưởng có khả năng xảy ra trong tương lai để tránh bị động, làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế và giữ vững an sinh xã hội của Thành phố.

Với Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh việc hoàn thành Quy hoạch thủ đô hiện nay quá chậm. Nhắc đến những khó khăn, vướng mắc kể cả vướng mắc về chính sách, pháp luật mà lãnh đạo Hà Nội đề cập, Phó chủ tịch đề nghị làm rõ hơn những khó khăn này, từ đó nêu kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch, song phải bảo đảm chất lượng vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Làm việc với TP.HCM, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Thành phố còn nhiều nội dung chưa hoàn thành trong công tác quy hoạch, như đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch chung của Thành phố Thủ Đức mới phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa hoàn thành; các quy hoạch khác mới hoàn thành định hướng...

Đoàn giám sát cũng đề nghị TP.HCM làm rõ tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, xem xét có cần sửa đổi Luật Quy hoạch hay sửa đổi các luật khác phù hợp để phụ hợp với Luật Quy hoạch.

Một số vấn đề khác, theo đoàn giám sát cũng cần được làm rõ, đó là vấn đề sử dụng tư vấn nước ngoài trong quá trình thực hiện quy hoạch, vấn đề tích hợp quy hoạch; việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm và giải pháp quản lý thay thế; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

“Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội khoá XV, kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022). 

Tập trung gỡ khó công tác quy hoạch bởi "mọi thứ đều dựa vào đấy hết"
Không thể nói là không có nguyên nhân chủ quan, song cũng cần nhìn nhận có tình trạng "cái khó bó cái khôn", khiến tiến độ nhiều quy hoạch quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư