Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giãn tiến độ để đảm bảo chất lượng một số quy hoạch lớn
Nguyễn Lê - 04/03/2022 15:18
 
Chúng ta đã chậm hai năm rồi, bây giờ nếu chậm vài ba tháng để một số quy hoạch quan trọng có chất lượng tốt hơn thì xin Quốc hội giãn tiến độ là cần thiết.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn).

Nhìn nhận công tác quy hoạch theo luật mới chậm do khởi động chậm, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đặt vấn đề xin phép Quốc hội cho giãn tiến độ một số quy hoạch lớn, quan trọng để đảm bảo chất lượng.

Tư duy quy hoạch mới là để kiến tạo cho phát triển

Sáng 4/3, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ trì, Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cụ thể, khách quan chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và kiến nghị rõ phương án khắc phục những bất cập; phân tích rõ những bất cập của Luật Quy hoạch ảnh hưởng như thế nào trong vấn đề tổ chức lập quy hoạch, chất lượng quy hoạch; đánh giá tính khả thi của việc tích hợp quy hoạch…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã báo cáo cập nhật, bổ sung, giải trình và làm rõ thêm một số nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Theo đó, về việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, Thứ trưởng cho biết, nhìn chung, Nghị định 37/2019/NĐ-CP đã thực hiện đầy đủ việc quy định chi tiết việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp và đảm bảo phù hợp với quy định về việc tích hợp quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Quy hoạch.

Về lập quy hoạch tỉnh và cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành, còn có sự chưa thống nhất trong nhận thức của cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn lập hoạch về phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch, trong một số trường hợp chưa phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch như nhận thức cho rằng tích hợp quy hoạch là việc lập các quy hoạch riêng rẽ trong từng chuyên ngành và tổng hợp vào một bản quy hoạch chung, dẫn đến khó khăn trong triển khai lập quy hoạch, và dẫn đến nhưng điểm thắc mắc không phù hợp với Luật Quy hoạch.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc ban hành Luật Quy hoạch rất cần thiết và kịp thời, không thể để chậm hơn được nữa. Vì cả nước có gần 20.000 quy hoạch, tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền của để lập, nhưng không còn phù hợp trong thực tiễn, vì nó triệt tiêu các động lực, chồng chéo, gây nhiều thiệt hại buộc phải thay đổi tư duy phải có luật mới theo phương pháp tích hợp.

"Tư duy quy hoạch mới là để kiến tạo cho phát triển, để phát huy hết lợi thế các vùng, ngành, địa phương, để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới để phá triển theo hướng bền vững, phù hợp với những xu thế mới, tao ra giá trị mới. Chúng ta phải hiểu tính cấp bách và tư duy quy hoạch mới thì mới giữ được giá trị của Luật Quy hoạch", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chậm vì nhiều nơi không muốn thay đổi

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP đã nói rất rõ các khái niệm về quy hoạch, tích hợp, trình tự thủ tục thực hiện, sau đó có hướng dẫn thêm ở văn bản hướng dẫn nữa.

"Nhưng vì nhiều nơi chưa nghiên cứu kỹ, muốn giữ lại quy hoạch ngành trước đây nên không muốn thay đổi. Chúng ta vẫn muốn thực hiện quy hoạch cũ rồi mới đưa vào tích hợp. Đây là cách hiểu sai. Các bên phải nghiên cứu đồng thời, làm cùng một lúc, bàn một lúc thì mới đúng tinh thần Luật Quy hoạch", Bộ trưởng lý giải sự chậm trễ nói chung của công tác quy hoạch.

Khái quát lại, theo Bộ trưởng, tiến độ quy hoạch chậm là do cách hiểu về tích hợp chưa thống nhất dẫn đến lúng túng, vướng mắc. Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ thông tin, sử dụng  cơ sở dữ liệu còn cục bộ, cát cứ, dẫn đến quản lý, điều hành còn khó khăn và khó khăn cho cả tư vấn.

"Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức, quan tâm của các bộ ngành, địa phương chưa thấu đáo. Tư duy chưa theo kịp nên lúng túng, cứ hỏi đi hỏi lại dù nhiều quy định trong luật, nghị định đã rõ, nhưng cứ nói là không hiểu rõ và kêu khó khăn vướng mắc. Thế nhưng hỏi lại rằng không rõ ở đâu thì không nói được. Đó là đồng chí đó, cơ quan đó không hiểu hay cố tình không hiểu chứ không phải quy định không rõ. Bởi vì, tại sao cùng mặt bằng đó mà một số bộ ngành, một số địa phương đã làm xong quy hoạch. 10 tỉnh đã xong thẩm định nhưng nhiều chỗ chưa làm cứ đổ cho cái nọ cái kia", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nguyên nhân khách quan vì do đây là luật mới, khó cả về nội dung và phương pháp lập, nhưng mấu chốt là ban hành Nghị định 37 chậm, nếu không nhờ Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 giải toả thì đúng là không biết làm cái nào trước, cái nào sau, Bộ trưởng nói rõ thêm.

Đến nay, theo Bộ trưởng, tư duy đã thay đổi, nên tiến độ các quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, nội dung, chất lượng các quy hoạch đã được cải thiện.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Đoàn giám sát đã nói rất đúng vấn đề cần quan tâm là chất lượng tư vấn, vì chính tư vấn lập chứ không có cơ quan nào lập được quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết khi xây dựng Luật Quy hoạch, Bộ rất quan ngại vấn đề này nên đã tổ chức tập huấn cho tư vấn thì mới có thể  đi làm tư vấn các quy hoạch. Bộ tạo điều kiện cho cơ quan chuyên môn của Bộ  đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài và tham gia thực tiễn nhiều thì mới có năng lực làm các quy hoạch.

Malaysia có cơ quan về quy hoạch có 900 người, còn bộ phận chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Quản lý quy hoạch) chỉ có 22 người. Chúng tôi cho phép đi tuyển người, cho nhận thẳng không thi tuyển nếu đủ điều kiện, hàng trăm người cũng được, sau đó sẽ báo cáo, điều chỉnh thì mới có lực lượng làm, nếu tư vấn thiếu và yếu mà làm đúng tiến độ thì chất lượng cũng khó bảo đảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.

Tin tưởng với giám sát của Quốc hội và với những chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ thì tiến độ quy hoạch sẽ được cải thiện, song Bộ trưởng cũng mong đoàn giám sát chia sẻ một vấn đề.

"Có lẽ, một số quy hoạch lớn, quan trọng mang tính dẫn dắt như quy hoạch tổng thể quốc gia hay một số quy hoạch vùng thì xin phép lui thêm một thời gian để có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn bảo đảm chất lượng tốt hơn. Nếu dồn với tiến độ như dự kiến thì chắc cũng qua được, nhưng chất lượng ở đâu. Chúng ta đã chậm hai năm rồi bây giờ nếu chậm vài ba tháng để có chất lượng tốt hơn, để phát triển đất nước tốt hơn thì xin Quốc hội giãn tiến độ để nâng cao chất lượng là cần thiết", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Quy hoạch tỉnh gặp khó vì thiếu quy định về tích hợp
Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư