Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lên kế hoạch ngăn chặn dòng tiền chi trả dịch vụ bất hợp pháp trên Facebook
Hữu Tuấn - 25/07/2019 15:22
 
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lên kế hoạch ngăn chặn các luồng tiền chi trả cho các dịch vụ bất hợp pháp được chuyển đến Facebook.
Việt Nam sẽ mạnh tay với các hành vi vi phạm pháp luật của Facebook.
Việt Nam sẽ mạnh tay với các hành vi vi phạm pháp luật của Facebook.

Thu tiền khủng, nhưng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Facebook công bố số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam hàng tháng là 60 - 65 triệu thuê bao. Trong khi đó, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam.

Facebook đang cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam như tiền giả, hàng giả, vũ khí, pháo... một cách công khai, mà không qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Những quảng cáo về buôn bán hàng giả, kêu gọi cờ bạc... hàng ngày vẫn hiển thị trên tường người dùng Việt Nam. Nhưng Facebook thờ ơ, bất hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ. Mặt khác, Facebook đã “đẩy” nghĩa vụ nộp thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mới đây, Công ty Công nghệ và Dịch vụ Kisland (Hà Nội) sử dụng các dịch vụ quảng cáo của nước ngoài đã gửi công văn tới Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phản ánh việc Facebook, Google, YouTube không có trụ sở tại Việt Nam, nên Công ty không có hóa đơn để cân đối đầu vào - đầu ra  mặc dù Công ty có chi phí thực. Công ty đề nghị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Facebook, Google đặt chi nhánh tại Việt Nam và xuất hóa đơn cho doanh nghiệp.

“Các công ty đa quốc gia không có trụ sở tại Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn công ty trong nước sử dụng dịch vụ của họ và trả tiền cho họ thì vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Công ty đề xuất có chính sách thu thuế công bằng với công ty đa quốc gia”, đại diện Công ty Kisland nói.

“Không thể có chuyện một doanh nghiệp làm ăn ở đây, thu mỗi năm 600 triệu USD, tương đương 13.000 tỷ đồng, mà không tuân thủ luật pháp”, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM mới đây.

Kiểm soát doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế của Facebook

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế xây dựng phương án quản lý các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua kiểm soát thanh toán, thực thi chính sách thuế. Cùng với đó, Bộ sẽ thí điểm giám sát lượng doanh thu của Facebook và Google qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc này không dễ khi lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp tục tăng, trong đó có không ít nguồn tiền từ Việt Nam chi trả cho dịch vụ bất hợp pháp.

“Việc giám sát và tìm cách ngăn chặn các nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ vi phạm pháp luật qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định điều chỉnh các hoạt động này. Mặt khác, các chủ thể vi phạm hiện nay chủ yếu là các web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm. Khi phát hiện vi phạm cũng thường khó xử lý hành chính vì khó xác định được nhân thân chủ thể vi phạm, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa có sự hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ nội dung vi phạm và cung cấp thông tin liên quan về cá nhân cung cấp thông tin vi phạm”, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Được biết, Tổng cục Thuế đang xây dựng đề án để có giải pháp quản lý phù hợp và chống thất thu thuế từ các doanh nghiệp hoạt động thương mại xuyên quốc gia như Google, Facebook. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng cho biết, điểm khó trong công tác thu thuế là các doanh nghiệp đó hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh, cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Quang Thành (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc Facebook, Google dù không đặt văn phòng thường trú tại Việt Nam, nhưng sẽ vẫn phải kê khai, nộp thuế đã được luật hóa. Khoản 4, Điều 42, Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định: đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

“Mặt khác, theo Điều 98 của luật này, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử... Vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành giám sát nguồn tiền, yêu cầu nộp thuế là phù hợp với pháp luật Việt Nam”, luật sư Thành khẳng định.

Chống xói mòn thuế trong nền kinh tế số
Biện pháp thu thuế đối với doanh nghiệp xuyên biên giới đã có, nhưng vấn đề nan giải là thu bằng cách nào cho hiệu quả.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư