Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chống xói mòn thuế trong nền kinh tế số
Hữu Tuấn - 11/05/2019 10:27
 
Biện pháp thu thuế đối với doanh nghiệp xuyên biên giới đã có, nhưng vấn đề nan giải là thu bằng cách nào cho hiệu quả.
Dù có mức doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam.
Dù có mức doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook không đóng thuế tại Việt Nam.

Doanh thu hàng trăm triệu USD, nhưng không nộp thuế

“Theo số liệu của  Google và Temasek (Singapore), doanh thu kinh tế số của Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Vấn đề là số tiền này đi về đâu, Nhà nước quản lý như thế nào và thu thuế như thế nào. Hiện chúng ta chỉ thu được thuế đối với doanh nghiệp trong nước. Lẽ ra phải tạo được sân chơi bình đẳng thì lại đang tạo ra bảo hộ ngược”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thẳng thắn phát biểu như vậy tại Hội thảo Quản lý thuế trong nền kinh tế số vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, tổng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước có nguồn thu từ quảng cáo như VCCorp, Zing, 24H, VnExpress… mới thu được khoảng 150 triệu USD, tương đương  33,3%. Trong khi đó, Google và Facebook chiếm khoảng 66,7%, tương đương 387,1 triệu USD.

Doanh thu khủng, nhưng Google, Facebook chẳng những không đóng thuế tại Việt Nam, mà còn đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước. Tổng cục Thuế thừa nhận, điểm khó trong công tác thu thuế là các doanh nghiệp này hoạt động xuyên quốc gia và không đăng ký kinh doanh, cũng như không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Tại hội thảo nói trên, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm về việc cần bình đẳng trong quản lý và thu thuế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới. “Hoạt động quản lý thuế trong nền kinh tế cần đảm bảo sự công bằng, không hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nước, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế”, bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế số sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai. Muốn vậy, kinh tế số phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trung lập, không bóp nghẹt, không tạo bất lợi cho doanh nghiệp. “Quan điểm của WB là phải đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến. Không nên phân biệt doanh nghiệp số với các loại hình khác vì sau cùng, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều, các doanh nghiệp cũng đều hướng tới số hoá”, ông Jonathan, chuyên gia cao cấp của WB nói.

Chống xói mòn thuế bằng cách nào?

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, hiện có hơn 50 quốc gia đã hoặc đang cân nhắc việc áp dụng các quy định về thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch cung cấp dịch vụ và sản phẩm B2C của các nhà cung cấp nước ngoài.

“Quy định cũ về sự hiện diện thực tế/văn phòng thường trú đã 100 năm, nên không theo kịp thực tế kinh tế số hiện nay, dẫn tới sự dàn xếp có chủ ý của các doanh nghiệp đa quốc gia để tránh cơ sở thường trú, cố ý tách nơi tạo ra giá trị với nơi ghi nhận giá trị để trốn thuế. Rất nhiều nước đã nhận thấy kẽ hở này và sự đồng thuận quốc tế để điều chỉnh lại luật thuế, chống xói mòn thuế ngày càng cao”, đại diện WB nhận xét.

Theo đề xuất của Công ty cổ phần VNG, hệ thống thuế cần phải thay đổi. Đầu tiên, cần xây dựng cơ chế thu thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp nước ngoài. Liên minh châu Âu và một số nước phát triển đã xây dựng hệ thống khai thuế trực tuyến giản đơn, cho phép doanh nghiệp nội dung số nước ngoài có thể dễ dàng tự khai tự nộp. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng của Việt Nam có thể chủ động liên hệ, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài để đảm bảo các doanh nghiệp này phải tham gia tự khai, tự nộp thuế.

Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Việc này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Hàn Quốc, New Zealand, Australia... thực hiện.

“Công bằng về thuế giá trị gia tăng là bước đầu tiên, quan trọng nhất trong việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, để doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung vào kinh doanh, cùng nhau phát triển thị trường, phát triển kinh tế quốc gia”, đại diện VNG chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, hiện các nước như Pháp, Australia, Singapore đã xây dựng quy định pháp lý để thu được thuế từ doanh nghiệp xuyên biên giới. Vấn đề là cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống ngân hàng thương mại nhằm nắm bắt, thống kê được các số lượng giao dịch, doanh thu để cơ quan nhà nước quản lý và thu được thuế.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2019, trong đó, đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép các nhà thầu cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử và phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Tình hình thu thuế xuyên biên giới tại một số quốc gia

Na Uy: Từ năm 2011, dịch vụ kỹ thuật số được cung cấp bởi doanh nghiệp không thành lập cơ sở thường trú tại Na Uy phải chịu thuế giá trị gia tăng 25%.

Albania: Từ năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số áp dụng mức thuế suất cơ bản là 20% và không giới hạn đối tượng kê khai và nộp thuế, kể cả doanh nghiệp không có cơ sở thường trú ở Albania.

Hàn Quốc: Từ năm 2015, áp dụng các quy định thuế đối với các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới, thuế giá trị gia tăng được đánh ở mức cơ bản 10%.

New Zealand: Năm 2016, đây là quốc gia đầu tiên thay đổi hệ thống thuế gián thu liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, mức thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ) áp dụng là 15%.

Nhật Bản: Năm 2015, thuế tiêu thụ (consumption tax - 8%) đã được giới thiệu và áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật.

Australia: Năm 2017, các dịch vụ cung cấp các hoạt động kỹ thuật số cho khách hàng trong lãnh thổ của Australia bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ áp dụng thuế GST 10%.

Singapore: Bắt đầu từ năm 2020, các dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới sẽ chịu thuế GST của Singapore.

5G - “Đường cao tốc” của kinh tế số
Với những tính năng nổi bật, công nghệ 5G được kỳ vọng là “đường cao tốc” đi đến một nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư