Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
5G - “Đường cao tốc” của kinh tế số
Thu Phương - 26/03/2019 06:57
 
Với những tính năng nổi bật, công nghệ 5G được kỳ vọng là “đường cao tốc” đi đến một nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
.
Công nghệ 5G là trụ cột, là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số.

5G - trụ cột của nền kinh tế số

Tại Hội nghị ASEAN về 5G vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh rằng, công nghệ 5G là trụ cột, là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. 5G có các tính năng vượt bậc như băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố nền tảng quan trọng trong kinh tế số.

Đánh giá sự phát triển của 5G trên thế giới cũng như tác động của nó đến kinh tế xã hội, ông Cristian Gomez, Giám đốc Chính sách và Điều tiết tần số của Hiệp hội GSM cho biết, công nghệ 5G đang phát triển rất nhanh trên thế giới và các quốc gia đang tìm mọi cách để cải thiện tốc độ kết nối di động, cung cấp chất lượng tốt nhất cho khách hàng.

Đơn cử tại Nhật Bản, như chia sẻ của bà Satoko Kurosaki, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh toàn cầu (Tập đoàn KDDI), 5G được thử nghiệm trong các phương tiện giao thông, kiểm soát các máy xây dựng từ xa…

“Nhờ những tác động tích cực của 5G, khu vực Đông Nam Á, với các nền kinh tế phát triển nhanh, sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ này với các lĩnh vực như robot, công nghiệp chế tạo, xe tự lái… Đặc biệt, 5G sẽ giúp hình thành các thành phố thông minh với các xe hơi kết nối, giảm ùn tắc giao thông, giảm năng lượng tiêu thụ. Chúng ta gần như ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại và với 4G, chúng ta có thể kết nối Internet. Với công nghệ thế hệ kế tiếp, chúng ta có thể kết nối mọi người, mọi thứ, ở mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, chúng ta cần đến 5G để thực hiện điều đó”, ông Cristian Gomez nhận định.

Không đứng ngoài xu hướng của thế giới, ông Nguyễn Trung Kiên, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, 5G cũng đang được tiến hành thử nghiệm tại Việt Nam.

Theo ông Kiên, trong những năm tới, 5G sẽ đem lại lợi ích rất lớn, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Internet vạn vật (IoT)... Ngoài ra, 5G còn thúc đẩy tích hợp dữ liệu, dịch vụ, kết nối nhiều giải pháp khác nhau từ các doanh nghiệp, start-up trong mạng lưới chính phủ số...

Mục tiêu của VNPT trong 5 năm tới là tập trung vào một số kế hoạch chiến lược, nền tảng trao đổi dữ liệu. Bước đi quan trọng vừa qua mà Tập đoàn đã thực hiện được là trục liên thông văn bản quốc gia.

“Hoài bão của VNPT là mở rộng nền tảng đó thành một trung tâm dịch vụ công nghệ quốc gia để mọi tích hợp hệ thống từ Chính phủ, doanh nghiệp đến start-up. Chúng tôi coi đó là con đường cao tốc để Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ số. Con đường cao tốc 5G sẽ có tốc độ rất cao, mang đến sự phát triển mạnh mẽ. Dự kiến của chúng tôi là xây dựng một hệ sinh thái xung quanh trục liên thông, trong đó có những giải pháp thông minh về chăm sóc y tế, giáo dục, ngân hàng tài chính”, ông Kiên cho hay.

5G - nhân tố tạo dựng ASEAN số

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để triển khai 5G, việc xác định các chính sách và lộ trình cần thiết đối với mỗi quốc gia thường sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2019, Bộ đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM.

Ông Hùng cho rằng, các công nghệ mới và đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch, nên sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường.

"Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước ASEAN đang hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển và xây dựng một ASEAN số. Chúng ta đều biết, 5G là một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu này. Đối với 5G, các nước ASEAN đặt mục tiêu triển khai đồng bộ cùng lúc với các nước phát triển trên thế giới. Về lĩnh vực truyền thông - công nghệ thông tin, ASEAN cần trở thành những nước đi đầu", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Việt Nam đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát… “Các nước ASEAN có nhiều nét tương đồng. Về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, thì các nước này càng có nhiều nét tương đồng hơn, nên chúng ta sẽ cùng phát triển hệ tri thức công nghệ thông tin và truyền thông ASEAN”, Bộ trưởng nói.

Chia sẻ tại Hội nghị ASEAN về 5G, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, khi thế giới triển khai 2G, 2,5G, 3G rồi 4G, các nước ASEAN gần như chỉ là đối tác thụ hưởng công nghệ. Khi đó, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng thế giới mang thiết bị, giải pháp đến khu vực để bán, còn chúng ta khai thác. Phó thủ tướng mong muốn, với công nghệ 5G, các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và cả với các nước đối tác để có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy các công nghệ mới.

Việt Nam chuyển đổi tích cực trong kinh tế số

Theo ông Scott W Minehane, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn Windsor Place Consulting cho biết, theo báo cáo của Google Singapore, kinh tế số của khu vực Đông Nam Á hiện có quy mô khoảng 72 tỷ USD và dự báo tăng lên 240 tỷ USD vào năm 2025. Ở khu vực này, Việt Nam đang nổi lên vì có sự chuyển đổi rất tích cực trong nền kinh tế số, khi chỉ đứng sau Singapore trong bảng xếp hạng.

5G - Cuộc chơi không chỉ của ngành di động
Viễn cảnh các ngành kinh tế thay đổi mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của 5G đã bắt đầu được định hình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư