Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Liên kết để đào tạo nhân lực AI
Hữu Tuấn - 30/09/2022 07:58
 
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng. Giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục là tăng liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa tốc độ phát triển của AI và công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này.

Nhân sự AI chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng

Thị trường AI toàn cầu có giá trị gần 59,67 tỷ USD vào năm 2021 và được dự báo đạt khoảng 422,37 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 39,4%. Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ do Oxford Insights kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.

Thế nhưng, chỉ có khoảng 1.600 cán bộ người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong các lĩnh vực có liên quan tới AI tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó, có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam. Nếu tính theo số chuyên gia, con số này thậm chí còn ít hơn, chỉ khoảng 300 người.

TS. Đinh Minh, Chủ nhiệm cấp cao Chương trình Thạc sĩ AI thuộc Đại học RMIT cho hay, ngành AI đang phát triển rất nhanh, rất khó để tìm được một chuyên gia có đủ kiến thức sâu rộng về AI như học máy (machine learning), ngôn ngữ...  theo kịp sự phát triển này. Trong khi đó, công tác đào tạo nhân lực AI chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu tuyển dụng.

Qua quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, ông Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam cũng nhận thấy, nhu cầu về ứng dụng AI, phân tích dữ liệu ngày càng lớn, nhưng một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vào thời điểm này chính là thiếu hụt nguồn nhân lực về AI.

“AI đang dần trở thành một ngành công nghiệp và là một nghề, vì vậy, khó khăn về nguồn lực là chuyện của cả thế giới”, ông Hoài nhận định.

Một thực tế được vị chuyên gia này chỉ ra là, trong những năm qua, các trường đại học tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành, nhưng lượng sinh viên đăng ký học AI và khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. “Phải chăng, do chúng ta nói về nghề AI cao siêu, chung chung, nên phụ huynh và học sinh khó có sự lựa chọn? Do đó, thiếu càng thiếu”, ông Hoài đặt vấn đề.

Liên kết với doanh nghiệp, đào tạo ở nước ngoài

Ông Anissh Pandey, Giám đốc NVIDIA khu vực ASEAN nhấn mạnh, trong đào tạo AI, hạ tầng, dữ liệu và nhân tài là những vấn đề quan trọng nhất. Ông Anissh đánh giá, Việt Nam là quốc gia phát triển AI hàng đầu ở khu vực, nhưng hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khó thu hút nhân tài. Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI, song khoảng cách giữa phát triển AI và đào tạo nhân sự AI vẫn còn khá lớn.

Chia sẻ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực AI, TS. Đinh Minh cho biết, thời gian qua, RMIT đã triển khai chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu và AI tại Australia, với mục đích giúp sinh viên tìm được hướng đi, doanh nghiệp ở Australia tìm thấy nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế, số lượng sinh viên tham gia chương trình AI ở Australia khá lớn, cao hơn nhiều so với ngành khoa học máy tính.

“Ở Australia, AI được xác định không chỉ là một bộ phận liên quan đến công nghệ thông tin, mà là nền tảng để sinh viên ở lĩnh vực khác có thể tìm hiểu”, ông Minh chia sẻ. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, ngành khoa học dữ liệu và AI không chỉ dành cho người có kỹ năng phân tích học máy, công việc phát triển thuật AI hoàn toàn có thể ứng dụng vào kinh tế, thị trường...

Thẳng thắn nhận xét, công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, ông Nguyễn Xuân Hoài khuyến nghị, để làm tốt công tác này, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, chi phí và nền tảng phải được đầu tư thực sự.

“Không nhiều trường đại học ở Việt Nam đáp ứng được các yếu tố trên. Cách giải quyết tốt hơn là bắt tay với các doanh nghiệp để đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao, còn các trường đại học thì cần hệ thống máy móc, hạ tầng tốt để đào tạo”, ông Hoài đưa ra giải pháp.

Cùng với giải pháp này, để thu hút “đầu vào” cho ngành đào tạo nhân lực AI, cần cung cấp cho thị trường, phụ huynh và học sinh bức tranh thông tin rõ ràng, đầy đủ về tương lai của AI.

Chia sẻ tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN 2022), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống, bởi nguồn nhân lực còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng, cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin..., mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực.

“Trước đây, chúng ta nói về ‘xóa mù’ công nghệ thông tin, thì giờ là ‘xóa mù’ AI”, Phó Thủ tướng khẳng định và mong muốn đưa AI vào trường học để từ các em học sinh cũng có thể tiếp cận sớm.

 

Đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Cùng với đó, hình thành 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; nâng cấp, hình thành mới 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.

(Nguồn: Chiến lược quốc gia về Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 của Chính phủ)

 

Giải quyết bài toán về nguồn nhân lực cho ngành sản xuất nội dung game
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp game đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới. Làm thế nào để một studio game xây dựng và phát triển nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư