Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Linh hoạt sản phẩm, dịch vụ ứng phó với Covid-19
Hồng Phúc - 04/03/2020 19:15
 
Dù chưa chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, nhưng Haravan - công ty chuyên cung cấp các giải pháp bán lẻ, thương mại điện tử vẫn lên kế hoạch ứng phó với các trường hợp xấu nhất.
.
Việc ứng phó với dịch bệnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tổ bộ máy, cải tiến lề lối làm việc.

Không ngừng phát triển

Gần đến giờ nghỉ trưa nhưng tiếng lách cách gõ bàn phím máy tính vẫn vang lên đều đặn trong trụ sở chính của Haravan (quận 11, TP.HCM). Văn phòng có sức chứa gần 300 người đã kín chỗ, cuối năm ngoái, Công ty mở rộng thêm 500 m2 và nhân sự mới cũng đã lấp đầy hơn 50% sức chứa.

Trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự vì khó khăn, thì khung cảnh đông đúc ở Haravan, theo lời ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Haravan, là điều rất may mắn.

Quý I hàng năm thường là mùa thấp điểm bán hàng, nhưng năm nay Công ty ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn năm ngoái, đáng chú ý là khách hàng đăng ký mới tăng 30%. Đây là dấu hiệu tích cực vì theo thông lệ đầu năm Haravan thường tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm với quy mô hơn 1.000 người, nhưng năm nay đã phải hoãn vì tâm lý sợ dịch bệnh của khách hàng.

“Trong khó khăn, nhu cầu đầu tư hệ thống bán hàng trên Internet của khách hàng trở nên cấp bách hơn”, ông Hồ nói.

Thành lập tháng 4/2014, Haravan ban đầu là đơn vị cung cấp giải pháp thiết kế website chuyên nghiệp. Theo thời gian, dải sản phẩm của Công ty mở rộng ra theo nhu cầu khách hàng. Từ thiết kế website, Công ty cung cấp giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, từ các kênh sàn thương mại điện tử, quản lý đơn hàng, quản lý khách hàng, quản lý giao hàng và gần đây nhất là công cụ tối ưu tiếp thị trên Facebook.

Theo ước tính của Google, năm 2018, Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp và người kinh doanh có nhu cầu sử dụng giải pháp công nghệ, chuyển đổi số. Chính vì thế, thị trường giải pháp hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử theo mô hình SaaS (mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm) có rất nhiều doanh nghiệp tham gia như Kiot Việt, Sapo, ETop…

Trong bức tranh chung, Haravan được định vị là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay có tập khách hàng đa dạng từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đa quốc gia, cho đến các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Haravan còn là đối tác công nghệ đầu tiên của Facebook tại Việt Nam và đồng thời được Google chứng nhận là một trong 4 nền tảng công nghệ bán lẻ vượt trội toàn cầu.

Tính đến hết năm 2019, Haravan có khoảng 40.000 khách hàng trả phí hàng tháng cho mảng kinh doanh nền tảng Website. Với giá sản phẩm trung bình 200 USD/năm, doanh thu của Công ty không dưới 8 triệu USD.

Hai kịch bản ứng phó dịch

Dù tình hình vẫn đang “dễ thở”, nhưng Haravan đã tính đến kịch bản xấu nhất là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong 6 tháng nữa, khi ấy sức mua chắc chắn sẽ giảm.

Nhân sự và mặt bằng là 2 chi phí lớn nhất của Haravan hiện nay. Để ứng phó kịch bản thứ nhất, Công ty hiện đã cho nhân viên làm việc tại nhà, quản lý qua kết quả công việc là chính, các buổi họp trực tuyến cũng thường xuyên hơn. Kế hoạch mở văn phòng kinh doanh ở Philippines tạm thời hoãn lại.

Việc ứng phó với dịch bệnh cũng là cơ hội để doanh nghiệp cải tổ bộ máy, cải tiến lề lối làm việc. Nhân viên có thể làm việc trực tuyến, quản lý theo hiệu quả công việc. Như vậy, vừa tránh phải tập trung, vừa giảm chi phí.

Ông Hồ cho rằng, đây là cơ hội để cải tổ lại bộ máy. Kế hoạch mở rộng càng được chú trọng hơn vì rõ ràng nguồn thu ở nhiều thị trường sẽ có lợi cho Công ty vào những giai đoạn khó khăn.

“Việc họp trực tuyến thường xuyên sẽ giúp các nhân sự cấp cao của Công ty làm quen với việc điều hành công việc từ xa, phá bỏ rào cản về tư duy tuyển dụng ưu tiên nhân sự trong nước. Cách làm này giúp Haravan có thể tận dụng nguồn nhân lực địa phương khi mở cơ sở tại nước ngoài, đỡ tốn kém hơn so với việc đưa nhân sự từ Việt Nam sang”, ông Hồ nói.

Kịch bản thứ hai là tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, khi đó chiến lược bán theo nhu cầu sẽ được áp dụng. Cụ thể, sản phẩm của Haravan hiện nay bao gồm nhiều chức năng, khi chiến lược bán hàng mới được áp dụng, Công ty sẽ bán từng chức năng riêng lẻ, với mức giá cạnh tranh hơn.

Theo ông Hồ, trong thời gian khó khăn, khách hàng sẽ có xu hướng trữ tiền mặt và chỉ chi cho những gì thực sự hiệu quả. Theo đó, họ sẽ mua từng giải pháp, với giá chấp nhận được, thay vì đầu tư một gói như trước. Việc bán từng sản phẩm sẽ phù hợp với xu hướng tiêu dùng này hơn.

“Chi phí để chúng tôi chuyển đổi sản phẩm là bằng không. Lợi thế của các công ty công nghệ là có thể linh hoạt sản phẩm, dịch vụ trong thời gian ngắn với giá thành cạnh tranh”, ông Hồ nói.

Dù kịch bản nào thì chi phí cho đầu tư nghiên cứu sản phẩm không bị cắt giảm, khoản này chiếm khoảng 30% doanh thu công ty hàng năm. Song việc phát triển sản phẩm sẽ có thay đổi. Theo đó, Công ty sẽ tạm dừng các dòng sản phẩm mới và tập trung phát triển chuyên sâu hơn các dòng sản phẩm mà Công ty đánh giá là khách hàng sẽ cần sau mua dịch, chẳng hạn như sản phẩm tối ưu quảng cáo trên Facebook.

2 đại diện Việt Nam tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp do Google tổ chức
Google lần thứ 3 tổ chức Launchpad Accelerator - chuỗi chương trình đào tạo và hỗ trợ dành cho giới khởi nghiệp công nghệ (start-up). Đây cũng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư