Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Lĩnh vực hút kiều hối lớn nhất vẫn là sản xuất, kinh doanh
Vân Linh - 11/01/2019 08:24
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, Tết Nguyên đán cận kề cũng là thời điểm kiều bào ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam gia tăng. Kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam năm qua và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Thưa ông, nguồn kiều hối chuyển về khu vực TP.HCM trong năm qua có đạt được doanh số như mục tiêu đưa ra không?

Năm 2018, kiều hối chảy về TP.HCM dự kiến đạt 5 tỷ USD như mức kỳ vọng ban đầu. Điều đó cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, dù trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái liên tục tăng lãi suất cơ bản USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm vừa qua và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt tiền tệ.

Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi bằng USD tại Việt Nam đã về mức 0% lâu nay, nhưng kiều hối vẫn tiếp tục đổ về, cho thấy niềm tin của kiều bào với nền kinh tế trong nước. 

Theo ông, đâu là nguyên nhân tác động tích cực lên dòng kiều hối về Việt Nam?

Những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM có mức tăng bình quân trên dưới 10%/năm. Kiều hối thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối...

Trong cả năm 2018, tình hình rất khả quan, lượng kiều hối được gửi về nước rất ổn định và tăng dần đều. Ngoài ra, thời gian qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường phần nào bị loại bỏ, nên người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng, thay vì gửi tiết kiệm bằng USD như trước. Nguyên nhân là lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bằng USD đang được các ngân hàng áp dụng chỉ có 0%, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND lại có xu hướng tăng.

Nguồn kiều hối chảy vào lĩnh vực nào nhiều nhất, thưa ông?

Trong 3 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt trên dưới 5 tỷ USD mỗi năm. Lĩnh vực thu hút kiều hối lớn nhất vẫn là sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ trọng 60 - 65% tổng lượng kiều hối chuyển về khu vực TP.HCM.

Bên cạnh đó, bất động sản cũng thu hút lượng kiều hối khá lớn, tới 21% dòng tiền đổ vào bất động sản, bình quân mỗi năm trên 1 tỷ USD. Có thể nói, kiều hối đang đóng góp nguồn vốn tích cực cho kinh doanh bất động sản phát triển. Theo tôi, đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển bất động sản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đang phối hợp với UBND TP.HCM đánh giá thực trạng tình hình kiều hối nhằm định hướng nguồn tiền này vào các chương trình kinh tế trọng điểm của Thành phố những năm tới.

Tỷ giá năm 2019 này được đánh giá là bớt áp lực khi Fed ra thông điệp giãn lộ trình tăng lãi suất. Điều đó sẽ tác động thế nào lên nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2019?

Fed dự báo sẽ tăng lãi suất chính sách ít nhất 2 lần nữa trong năm 2019, sau 4 lần điều chỉnh từ đầu năm 2018, mỗi lần tăng 25 điểm cơ bản. Lộ trình tăng lãi suất của Fed được giãn ra và ít hơn, cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe đồng bạc xanh không được hỗ trợ tích cực. Áp lực từ các yếu tố bên ngoài lên tỷ giá được giảm.

Trên thực tế, trước áp lực tăng lãi suất của Fed và USD tiếp tục lên giá, thời gian qua, nguồn kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam. Tỷ giá VND/USD được kiểm soát linh hoạt, ổn định, dù Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất USD.

Những tháng cận Tết Nguyên đán luôn là dịp cao điểm kiều hối chảy mạnh về nước, nên dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục tăng mạnh. Ngoài đóng góp của hơn 4,5 triệu kiều bào trên toàn thế giới, thị trường xuất khẩu lao động cũng đang giúp nguồn kiều hối tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là phân khúc thúc đẩy kiều hối tăng trưởng trong thời gian tới đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư