Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Lo” ngân sách địa phương khó chi trả cho lực lượng tham bảo vệ ANTT cơ sở
Nguyễn Lê - 27/10/2023 12:46
 
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
.
Phiên thảo luân sáng 27/10 của Quốc hội.

Một số vị đại biểu lo ngân sách địa phương khó khăn, đề nghị có quy định về cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng tham bảo vệ an nih trật tự (ANTT) ở cơ sở

Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, sáng  27/ 10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất thống nhất 3 lực lượng: bảo vệ dân phố; công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng; các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng để thành lập khoảng gần 85.000 tổ an ninh, trật tự tại các tổ dân phố trên cả nước, biên chế khoảng 254.163 người.

Nhiệm vụ chính của lực lượng này là hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc thành lập lực lượng mới sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình 1 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Quy định này chưa nhận được sự đồng tình cao tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình đề nghị tiếp tục quy định về bảo đảm kinh phí phù hợp, nhất là với các tỉnh còn khó khăn, nguồn thu chưa đủ bù chi.

Việc này, theo đại biểu để tránh tình trạng mỗi địa phương có quy định khác nhau, không đảm bảo công bằng.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cũng đề nghị xem xét quy định trên vì việc thành lập lực lượng mới là chính sách do Trung ương ban hành trong thời kỳ ngân sách chi thường xuyên ổn định 2021 - 2025.

Ông Định nói, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa phương nhiều. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hàng năm rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, đặc biệt là đối với những địa phương còn rất khó khăn, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương.

Vì chính sách do Trung ương ban hành trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, với các địa phương không đủ kinh phí chi trả cho lực lượng mới được thành lập, ngân sách Trung ưởng phải hỗ trợ chi trả.

Theo ông Hòa, cần quy định rõ ràng, nếu chỉ ghi ngân sách nhà nước đảm bảo chung chung thì tới lúc Bộ Tài chính đổ cho địa phương, địa phương lại đổ cho Bộ Tài chính.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng đề nghị làm rõ, khi dự án luật này được ban hành thì ngân sách nhà nước phải chi tăng thêm bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên. Bởi với quy định của dự án luật, lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ…

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường UBND tỉnh Quảng Trị góp ý, đây là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho nên tổ chức và hoạt động của lực lượng này phải xây dựng và triển khai phù hợp với tính chất "tham gia, hỗ trợ" và nguyên tắc tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư.

Ông Đồng nhận xét,  các quy định tại dự thảo về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là "chưa thuyết phục".

Vị đại biểu Quảng Trị đề nghị xem xét, đánh giá lại quy định: "Công an xã trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở", cho phù hợp với với nguyên tắc tự quản của lực lượng này.

Liên quan đến chế độ bồi dưỡng, ông Đồng cho rằng, cũng cần phải bám sát nguyên tắc tự quản. "Giữ an ninh, trật tự cho địa bàn cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thì cũng nên để cộng đồng thù lao, bồi dưỡng, không nên đòi ngân sách chi trả. Như thế sẽ không làm tăng biên chế không chuyên trách, không tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước chi trả", ông Đồng góp ý. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư