Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 31 tháng 08 năm 2024,
Lối đi nào cho các sản phẩm khoa học công nghệ trong trường đại học?
Hưng Anh - 30/08/2024 16:25
 
Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được hình thành trong các cơ sở giáo dục, tuy nhiên vấn đề mấu chốt làm thế nào để “thương mại hoá” là cả một bài toán không dễ dàng…
TIN LIÊN QUAN

Mới đây, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình kết nối các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm thu hút các ý tưởng, giải pháp để giải quyết các đầu bài từ thực tiễn, từ đó gia tăng các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.

Việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp spin - off, start - up trong trường đại học là giải pháp mang tính chiến lược để đạt được mục tiêu gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn.

Đồng thời, mục tiêu phát triển các doanh nghiệp start - up/ spin - off (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, được hình thành dựa trên cơ sở áp dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được tạo ra ở viện nghiên cứu, trường đại học hoặc do cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học, kỹ sư…).

TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp chia sẻ, việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng.

TS Hoàng Văn Hà, Khoa Hoá học, ĐH Khoa học tự nhiên cho biết: “Các nhà khoa học rất muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của mình để sản phẩm do mình nghiên cứu được góp phần phục vụ cộng đồng và người dân. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng”.

Với những hạn chế này, rất cần nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị ươm tạo hỗ trợ để thương mại hoá “đứa con tinh thần”, là sản phẩm khoa học và công nghệ do họ tạo ra và thành lập doanh nghiệp để đưa sản phẩm đó vào thị trường.

TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp chia sẻ, việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học/nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia để gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và giải quyết các bài toán thực tiễn. Điều này giúp các kết quả, sản phẩm nghiên cứu nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Anh hùng Lao động Trương Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều vấn đề nảy sinh rất cần sự tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của nhà khoa học. Tuy nhiên việc thiếu thông tin, thiếu kênh kết nối là hạn chế khiến doanh nghiệp - nhà trường - nhà khoa học chưa kết nối được với nhau.

Anh hùng Lao động Trương Văn Hiền phát biểu. 

Theo ông Hiền đánh giá, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học đã đem lại giá trị gia tăng và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác nghiên cứu theo đặt hàng để tiếp tục đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng phục vụ nhân dân.

Việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp spin-off, start-up trong trường đại học là giải pháp mang tính chiến lược để đạt được các mục tiêu đó, đặc biệt là phát huy vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp đã tiến hành trao kết quả đăng ký sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, bản quyền) cho 20 sản phẩm của các nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó, 5 dự án đã được ký kết hợp đồng ươm tạo để hoàn thiện công nghệ và có thể trở thành các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đặc biệt, 2 doanh nghiệp spin-off là Công ty Cổ phần Greentech công nghệ xanh của nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh vật (AMBIO) của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã được ra mắt chính thức.

Bên cạnh đó, có 5 dự án đã được ký kết hợp đồng ươm tạo để hoàn thiện công nghệ và có thể trở thành các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đó là Dự án Nanogel - gel tự nhiên kết hợp nano bạc giúp tạo màng bảo vệ vết thương hở, thay thế da trước khi vết thương lành; Dự án 3SR - siêu thị mini xanh thông minh, máy tự động cho phép bán lẻ các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng, tự động bán các loại chất lỏng và triển khai EPR cho các nhà sản xuất thông qua hệ thống thu gom bao bì tự động, tích điểm đổi hàng.

Các dự án khác là Dự án Duachua24h - công nghệ muối chua rau củ sạch; Dự án Ladee - các sản phẩm nước giặt chuyên dụng cho đồ lót, dành riêng cho vấn đề sinh lý phái nữ; Dự án Bizmatee - nền tảng tìm kiếm đối tác, đồng sáng lập phù hợp, sử dụng công nghệ gợi ý AI.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư