Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Lối đi riêng trong phát triển du lịch Đà Nẵng
Việt Hương - 30/01/2023 15:46
 
Đà Nẵng xác định phát triển du lịch đường thuỷ thành sản phẩm du lịch chủ lực từ nay cho đến 2025, với lộ trình sẽ kích hoạt 7 tuyến du lịch đường thuỷ nội địa phục vụ du khách.

Phát triển 7 tuyến du lịch đường thuỷ

Thực tế, chiến lược này đã được manh nha từ những năm 2017. Khi đó TP Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư phát triển du lịch đường thuỷ nội địa, cùng với đó là thực hiện chính sách đóng mới các phương tiện để phục vụ chiến lược này.

Ngày 30/1, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng vừa quyết định ban hành kế hoạch phát triển vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa đến năm 2025, định hướng 2030.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng trong một chuyến kiểm tra các phương tiện vận tải đường thuỷ nội địa
Lãnh đạo TP Đà Nẵng trong một chuyến kiểm tra các phương tiện vận tải đường thuỷ nội địa

Cụ thể, TP. Đà Nẵng đặt lộ trình đến 2025 sẽ phát triển 7 tuyến du lịch đường thủy nội địa, cùng với xây dựng đội tàu cao tốc, du thuyền, nhà hàng - khách sạn nổi hiện đại, sử dụng năng lượng xanh. Định hướng  đến 2030, TP.Đà Nẵng tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách và ngành công nghiệp đóng tàu, đầu tư bến bãi, du thuyền…

Trước đó, nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ thành sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố, Đà Nẵng đã cho phát triển đội tàu thuỷ đóng mới  với 27 chiếc; phục vụ trên 4 tuyến vận tải hành khách.

Các tuyến du lịch đường thủy gồm tuyến sông Hàn (từ cầu Thuận Phước) đến cầu Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn - vịnh Đà Nẵng, tuyến sông Cu Đê - Trường Định, tuyến sông Cu Đê - vịnh Đà Nẵng, các tuyến vận tải trên sông khác, khu vực bán đảo Sơn Trà (hòn Sụp, bãi Nam, bãi Đa) và tuyến từ bờ ra đảo.

Và theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, kế hoạch đến năm 2025, TP. Đà Nẵng sẽ phát triển khoảng trên 150 phương tiện.

Nhiều tour, tuyến du lịch đường thủy đang được hình thành cùng với việc xúc tiến xây dựng cầu tàu và bến du thuyền đã mở ra hướng mới cho phát triển du lịch, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.

Dự kiến, những tuyến đường thuỷ như Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam); Đà Nẵng - Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và tuyến đường thuỷ trên sông Cổ Cò... sẽ góp phần thu hút du khách quay trở lại thành phố sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch vừa qua.

Trước đó,  tháng 3/2022 cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng đưa vào khai thác tuyến du lịch đường Thuỷ nội địa từ bờ ra đảo theo lộ trình từ cảng sông Hàn (Đà Nẵng) đến cảng Lý Sơn (Quảng Ngãi) với chiều dài 70 hải lý. Những con tàu hai thân của Phú Quốc Express có sức tải lên đến 600 hành khách; tàu Trưng Trắc được thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu, sử dụng động cơ Rolls Royce MTU, rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Lý Sơn chỉ hơn 2 giờ.

Tại thời điểm này, lãnh đạo TP. Đà Nẵng nhìn nhận, việc mở tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Đà Nẵng - Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ góp phần phát triển sản phẩm du lịch, liên kết du lịch vùng giữa hai tỉnh thành, mà còn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được TP. Đà Nẵng phê duyệt. Cụ thể, phát triển du lịch bằng đường thủy nội địa theo hai phương thức gồm: Vận tải khách du lịch trên sông đến các điểm du lịch được áp dụng cho tất cả các tuyến vận tải thủy; Du thuyền trên sông được áp dụng cho tuyến đường thủy nội địa trên sông Hàn mục đích ngắm cảnh các công trình ven sông, đặc biệt về đêm.

Đồng thời, Đà Nẵng quy hoạch 7 tuyến vận tải du lịch gồm 4 tuyến (Tuyến cầu sông Hàn - Trần Thị Lý, tuyến sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà, tuyến sông Hàn - Hòn Chảo (đảo Ngọc), tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm) và 3 tuyến mở mới (tuyến sông Hàn - Ngũ Hành Sơn, tuyến sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến sông Cu Đê - Trường Định). Ngoài ra, Đà Nẵng cũng quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch trên các sông: sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Yên, sông Vĩnh Điện (đoạn qua địa phận Đà Nẵng), sông Quá Giáng (Bầu Sấu), sông Cổ Cò. 

Nhắm đến thị trường tiềm năng

Bên cạnh giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chủ lực, những năm gần đây TP. Đà Nẵng cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển, thu hút thị trường du khách mới nổi. Trong đó khách Ấn Độ là thị trường tiềm năng đang phát triển đối với ngành du lịch Đà Nẵng, hứa hẹn khởi sắc trong năm 2023.

Cô dâu, chú rể của gia đình tỉ phú Ấn Độ là Tuisha Seksaria và Gaurav Palrecha đã chọn TP.Đà Nẵng làm đám cưới đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với hơn 350 khách mời cùng với đội ngũ 100 nhân viên sự kiện, đầu bếp đến từ Ấn Độ.
Cô dâu, chú rể của gia đình tỉ phú Ấn Độ là Tuisha Seksaria và Gaurav Palrecha đã chọn TP.Đà Nẵng làm đám cưới đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với hơn 350 khách mời cùng với đội ngũ 100 nhân viên sự kiện, đầu bếp đến từ Ấn Độ. Ảnh N.T

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượng khách tham quan, du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt gần 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 63.384 lượt. Khách quốc tế chủ yếu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,  Singapore...

Nửa cuối năm 2022 và năm 2023, các hãng hàng không khai thác các đường bay thẳng nối Đà Nẵng với những thành phố lớn của Ấn Độ như New Delhi, Mumbai, Ahmedabad mang đến sự tăng trưởng tích cực cho thị trường này. 

Đơn cử, ngày mùng 3 Tết nguyên đán (24/1) TP Đà Nẵng đón đoàn khách 450 người từ Ấn Độ đến dự đám cưới của cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav vào ngày 29/1 tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao bên bãi biển Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn.

Ông Satish Ramnani, giám đốc công ty sự kiện cưới Veydaa Events từ Ấn Độ, đánh giá thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến cưới hấp dẫn của khách Ấn Độ. Veydaa Events là một trong những công ty tiên phong đưa đám cưới của các cô dâu chú rể người Ấn Độ đến với Đà Nẵng. 

Nhận định về thị trường Ấn Độ, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá Đà Nẵng sở hữu ưu điểm lớn nhất là một điểm đến mới với khách Ấn Độ tại Đông Nam Á.

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cũng cho biết, thị trường Trung Đông, đặc biệt là 9 quốc gia trọng điểm trong Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016 – 2025"  là một trong những thị trường mang tính chiến lược trong hợp tác và phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá mạnh mẽ để khôi phục các thị trường, các đường bay quốc tế, đặc biệt đối với thị trường Ấn Độ với việc tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Ấn Độ, đón đoàn famtrip, presstrip Ấn Độ đến Đà Nẵng khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đón và phục vụ trên 3,66 triệu lượt khách quốc tế, trong đó Ấn Độ là thị trường có sự hồi phục đáng kinh ngạc với 82%.

Đà Nẵng đón chuyến bay quốc tế xông đất đầu năm
100 hành khách từ Thái Lan đã đến Thành phố Đà Nẵng trong sáng mùng 1 Tết Quý Mão, mang theo nhiều kỳ vọng về phục hồi khách du lịch quốc tế tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư