Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Lời khuyên cho doanh nhân trẻ: "Học đủ sâu từ thất bại cũng là một cách để thành công"
Khánh Linh - 30/07/2023 18:35
 
Số doanh nhân “ngã ngựa” tăng nhanh, cả thất bại trong kinh doanh và vướng vào vòng lao lý khiến nhiều doanh nhân trẻ cảm thấy "lấn cấn" trong lựa chọn bài học thành công.
,
Tọa đàm với chủ đề “LEARN TO LEAD” của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam diễn ra chiều 30/7

Học từ thất bại, không có nghĩa là chỉ nhìn vào “bìa sách”

Có thực tế đáng suy nghĩ là trong vào 2 năm qua, số doanh nhân “ngã ngựa” tăng nhanh, cả thất bại trong kinh doanh và vướng vào vòng lao lý. Một doanh nhân trẻ tham dự Tọa đàm với chủ đề “LEARN TO LEAD” - Học để dẫn đầu của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đặt đầu bài học hỏi vào bối cảnh này.

Nhiều người tâm đắc với câu hỏi này, vì thông thường, các doanh nhân, nhất là những người mới khởi nghiệp, 90% “dữ liệu kinh doanh” đến từ thất bại chứ không phải từ thành công.

“Vấn đề là ai chiết suất được gì từ những bài học thất bại”, ông Lê Trí Thông, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc CTCP PNJ nói. Nếu xem các doanh nhân thất bại là 1 cuốn sách, nhiều người chỉ đọc bìa sách; số người mở ra đọc kỹ thường ít hơn. Nhưng phải đọc kỹ từng trước hợp, sẽ thấy có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan, có những trường hợp cả hai và có nhiều trường hợp phức tạp hơn...

Điều này có nghĩa, bài học từ thất bại, cũng như học từ thành công, không chỉ là những dòng chữ được in ra, được phát đi trên truyền thông mà nằm ở khoảng trắng giữa các con chữ. “Dù đọc 1 cuốn sách, nhưng cảm nhận về dòng chữ trắng đó mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng thất bại là một nguồn mà doanh nhân cần phải học”, ông Thông chia sẻ quan điểm.

Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group chia sẻ, cần phải học từ cải những thất bại của bản thân. “Đúc rút ra được kinh nghiệm từ chính sai lầm của bản thân sẽ giảm tỷ lệ sau trong tương lai của chính mình”, ông Hùng nói.

Chính trong giai đoạn khó khăn là lúc doanh nhân “ngộ” ra được việc chấp nhận thay đổi sớm, có thể chấp mất tất, để thay đổi, để chuyển giao, để bắt đầu với cái mới, ý tưởng phù hợp hơn.

Cụ thể hơn, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa V & VI; Chủ tịch Công ty TNHH King Invest khuyến nghị các doanh nhân không chỉ học các vấn đề mang tầm chiến lược, như chuyển đổi số mà còn học cách làm đúng.

“Cập nhất kiến thức pháp luật đang là việc cần phải làm ngay, khi mà những thay đổi cơ chế, chính sách đang khiến doanh nghiệp rất khó nắm bắt, dễ mắc sai lầm”, ông Vương thẳng thắn.

Doanh nhân học có dễ?

Mới tuần trước, ông Vương  vừa đi học các bạn sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, với vai trò là thành viên Hội đồng Trường Đại học Ngoại Thương, “Tôi đã từng chia sẻ với các doanh nhân, nếu muốn kiếm tiền, thì đi học để kiếm tiền; còn muốn làm giàu thì tự học. Các bạn khởi nghiệp thì hẳn không muốn kiếm tiền, mà muốn bước vào sự nghiệp kinh doanh, sự nghiệp làm giàu, thì tự học là liên tục và quan trọng”, ông Vương chia sẻ.

Tọa đàm với chủ đề “LEARN TO LEAD”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2023. 

Tuy nhiên, học thế nào là câu hỏi không dễ, nhất là với các doanh nhân không có nhiều thời gian, bị chi phối bởi các công việc sự vụ, “cơm áo gạo tiền”. Nên việc phát hiện ra vấn đề để học là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Thông nói tới tình huống có lúc làm mãi không được, dù lý thuyết nắm vững, người khác làm thành công. “Chúng ta ít nhiều đã có những thành công nhất định, nên học không dễ dàng, nếu không nhận diện rằng, những công thức đã tạo nên thành công của chính chúng ta có lúc lại là công thức mở đường đến thất bại”, ông Thông dẫn dắt tới ví dụ rất quen thuộc của các doanh nghiệp. Khi khởi nghiệp, quy mô công ty nhỏ, mối quan hệ tạo nên thành công là những người anh em cùng khởi nghiệp; nhưng khi quy mô doanh nghiệp lớn lên, mối quan hệ huynh đệ lại cản trở sự phát triển.

“Đây chính là lúc cần có chỗ cho những anh em khác, nghĩa là cần phải học hỏi để thay đổi, học để thấy tiềm ẩn thất bại trong công thức thành công”, ông Thông dẫn chứng. Đây là lý do ông Thông rất chia sẻ với câu hỏi từ một doanh nhân trẻ khởi nghiệp rằng, trong lúc đang thắng, nên thừa thắng xông lên hay nên nhìn xem ổ gà nằm ở đâu. "Đặt ra được câu hỏi là một thành công, giờ sẽ là lúc tìm xem các vấn đề có thể phát sinh ở đầu, ở địa điểm, giá cả, nguyên liệu...", ông Thông tư vấn.

Sự thay đổi này sẽ đến từ bên trong doanh nghiệp và từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, sự học của doanh nhân không chỉ là học cho mình, mà còn tạo nên một tổ chức học tập.

“Nếu chỉ CEO đi học, mà lãnh đạo cấp trung không nhìn cùng hướng thì khả năng thất bại cao, vì không có sự đồng thuận về lý do thay đổi. Bởi vậy, học để dẫn dắt, thì mới dẫn đầu được”, ông Vương nói.

Doanh nhân trẻ 6 tỉnh, thành phố “bắt tay” cùng phát triển
Doanh nhân trẻ các địa phương Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà và Thủ Đức (TP.HCM) liên kết cùng nhau để phát triển.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư