Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Lợi nhuận tăng, chi phí kiểm soát tốt, Agribank đẩy mạnh bao phủ nợ xấu
T.L - 09/04/2022 08:25
 
Agribank vừa công bố báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2021 với lợi nhuận trước thuế14.502 tỷ đồng. Trong năm, nợ xấu tăng đáng kể song bao phủ nợ xấu cũng được nâng lên mức cao kỷ lục.
f
f

Tất cả lĩnh vực kinh doanh đều có lãi, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt

Báo cáo tài chính riêng cho thấy, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 14.502 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 11.611 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020 và là con số cao nhất từ trước tới nay.

Trong năm, tổng thu nhập hoạt động của Agribank là 60.742 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm trước, đứng trong top 3 ngân hàng có doanh thu cao nhất hệ thống nhờ tất cả lĩnh vực kinh doanh đều có lãi, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 46.712 tỷ đồng, tăng 7,8%. Trong năm, ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng nên thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 2,3% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ chi phí đầu vào giảm nên thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Cơ cấu tín dụng của Agribank tiếp tục dịch chuyển theo hướng đẩy mạnh bán lẻ, riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 66% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 4.312 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2020. Nguyên nhân là năm 2021, Agribank miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng, đồng nghĩa với việc giảm 902 tỷ đồng lợi nhuận.

Mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất của Agribank năm 2021 là kinh doanh vàng và ngoại hối với tăng trưởng lãi thuần 61% năm 2021, đạt 1.515 tỷ đồng. Agribank một trong 4 ngân hàng lãi nhiều nhất từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trên toàn hệ thống.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác (chủ yếu là thu hồi nợ xấu đã được xử lý bằng tài sản đảm bảo) tiếp tục mang về lợi nhuận lớn cho Agribank. Năm 2021, lãi thuần từ hoạt động khác của Agribank đạt 8.091 tỷ đồng, tương đương với năm trước.

Trong khi các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng ấn tượng thì chi phí hoạt động của Agribank lại được kiểm soát chặt chẽ, giảm 4,3% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng tích cực.

Đáng nói, năm 2021, Agribank là ngân hàng tham gia giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng lớn nhất hệ thống. Ngoài cơ cấu nợ, miễn lãi, giảm phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Agribank còn đứng đầu trong danh sách 16 ngân hàng thực hiện cam kết giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng với số tiền giảm tới 5.512 tỷ đồng (tương đương 1,4 triệu tỷ đồng dư nợ và gần  3,5 triệu khách hàng được giảm lãi suất). Nếu tính cả 700 tỷ đồng giảm lãi của các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi và 902 tỷ đồng giảm do áp dụng chính sách miễn giảm phí, năm 2021, Agribank đã hi sinh khoảng 7.100 tỷ đồng lợi nhuận hỗ trợ khách hàng.

Như vậy, nếu không giảm lãi suất, giảm phí hỗ trợ khách hàng, năm 2021, lợi nhuận thực của Agribank có thể lên tới trên 21.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, Agribank có 38.045 cán bộ, công nhân viên và 1.758 chi nhánh, phòng giao dịch, tiếp tục dẫn đầu hệ thống. Năm 2021, thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên Agribank là 26,9 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất trong nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh. Ngân hàng không tăng mạnh thu nhập để có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng.

Nợ xấu tăng cao, trích lập dự phòng rủi ro cao kỷ lục

Mặc dù kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tích cực nhưng Covid 19 đã phủ bóng lên nợ xấu của Agribank. Báo cáo tài chính cho thấy, nợ xấu của Agribank tại thời điểm 31/12/2021  là 24.553 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 là 1,71%, tỷ lệ tăng 0,14%.

Nợ xấu của Agribank tăng phần lớn là do nguyên nhân khách hàng trên địa bàn nông nghiệp - khách hàng chính của Agribank- bị tác động lớn bởi dịch bệnh Covid, đặc biệt là nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Ngoài ra, các khách hàng thuộc lĩnh vực khác du lịch, dịch vụ, buôn bán, bán lẻ và làm đứt chuỗi cung ứng các khách hàng sản xuất mặt hàng tiêu dùng xuất, nhập khẩu của ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mặc dù NHNN đã cho phép cơ cấu nợ song thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng trong khi dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm qua, vì vậy, một số khoản vay vẫn phải chuyển nhóm nợ.

Với Agribank, nợ xấu năm nay tăng còn do hậu quả của thiên tai khốc liệt năm 2020 để lại (nhất là lũ lụt miền Trung) khiến hàng loạt hộ nuôi trồng sản xuất chăn nuôi, thủy sản trắng tay. 

Mặc dù nợ xấu tăng song chất lượng tài sản của Agribank cũng được cải thiện rõ rệt nhờ độ bao phủ nợ xấu tăng mạnh trong khi lãi dự thu giảm mạnh.

Năm 2021, Agribank đã trích lập hơn 22.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 17,7% so với năm 2020, nâng nguồn dự phòng lên hơn 34.000 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên 138,6%, tăng khá nhiều so với mức hơn 110% năm 2020. Với nguồn lực dự phòng này, Agribank hoàn toàn có khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu cũng như cải thiện lợi nhuận trong tương lai.

Các khoản lãi và phí phải thu của Agribank tính đến 31/12/2021 cũng chỉ còn 9.460 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021. Hiện tỷ lệ các khoản lãi và phí phải thu/thu nhập lãi và các khoản tương tự bằng 8,63% tương đương gần bằng một tháng lãi phải thu của khách hàng. Con số này tại Agribank tương đương với tỷ lệ tại BIDV và thấp hơn so với Vietcombank, VietinBank. 

Tỷ suất sinh lời cải thiện, tăng vốn vẫn là bài toán nan giải

Do hoạt động ở địa bàn nông nghiệp, chi phí cao, lại phải gánh nhiều chương trình tín dụng chính sách nên tỷ suất sinh lời của Agribank không cao bằng các ngân hàng TMCP khác song vẫn duy trì được sự tăng trưởng.

Năm 2021, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của Agribank đạt 15,72%, tăng 1,19% so với năm 2020. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 0,69%, tăng nhẹ so với năm 2020. So với các ngân hàng TMCP trong nhóm big 4, ROA của Agribank cao hơn BIDV và ROE cao hơn BIDV, Vietinbank

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,694 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% và đứng thứ hai toàn hệ thống. Cho vay khách hàng của Agribank đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%, tiền gửi khách hàng đạt 1,545 triệu tỷ đồng, tăng 9,8%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong cơ cấu tiền gửi của Agribank có sự tăng trưởng tích cực (tăng từ 10% lên 12%) nhờ chính sách miễn giảm 100% dịch vụ thanh toán và áp dụng công nghệ.

Agribank từng dẫn đầu hệ thống về tổng tài sản song đã hiện đã tụt xuống vị trí thứ hai toàn hệ thống. Vốn chủ sở hữu tăng chậm được coi là nguyên nhân chính khiến Agribank không thể tăng mạnh tín dụng cũng như tổng tài sản. Năm 2021, trong khi tín dụng Agribank tăng 8,4% thì vốn chủ sở hữu của Agribank chỉ tăng 3,4%, chủ yếu tăng từ lợi nhuận còn lại chưa phân phối.

Nếu phân phối lợi nhuận còn lại năm 2021 số tiền 11.611 tỷ đồng  (nộp cho ngân sách nhà nước) thì vốn chủ sở hữu sẽ giảm tương ứng. Hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank tại thời điểm 31/12/2021 nếu tính theo Thông tư 22/2019/TT-NNN là 10,2%, tuy nhiên, nếu áp dụng theo Basel 2, hệ số CAR của Agribank sẽ bị giảm mạnh. Ứớc tính, để tuân thủ Basel 2 và đảm bảo khả năng tăng trưởng, Agribank cần tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vốn điều lệ.

Do là ngân hàng thương mại nhà nước duy nhất chưa cổ phần hóa, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp. Đầu năm nay, Quốc hội đã có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, thống nhất chủ trương tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Agribank. Tuy nhiên, mức tăng vốn dự kiến cho Agribank chưa được công bố.

Theo kế hoạch đề ra, năm 2022, Agribank tăng trưởng tín dụng ở mức 9-11%. Tuy vậy, nếu không thể tăng vốn, ngân hàng sẽ phải giảm dần mức độ tăng trưởng tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn.  

Agribank tiếp tục đồng hành với khách hàng doanh nghiệp lớn
Khách hàng doanh nghiệp lớn có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4,0%/năm tại Agribank để bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư