Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lối ra nào cho tự chủ bệnh viện công?
Nguyễn Lê - 09/12/2022 09:13
 
Thay vì chỉ có duy nhất từ "tự chủ", Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi mới nhất có riêng một điều quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có liên quan đến rất nhiều luật. Ảnh: Đ.T 

Tự chủ cả nhân sự và tài chính

Lỡ hẹn thông qua tại kỳ họp thứ tư, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Dự thảo) tiếp tục được hoàn thiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 12/2022, trước khi trình Quốc hội bấm nút tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội (dự kiến diễn ra đầu tháng 1/2023).

Cần phải nói thêm rằng, trừ trường hợp thật sự cấp bách, các dự án luật sẽ không được xem xét tại kỳ họp bất thường. Song, riêng với dự thảo trên, với thực tế “rối như tơ vò” hiện tại của ngành y, thì mục tiêu đặt ra, như Chủ tịch Quốc hội nói, là ngày 1/1/2024 có hiệu lực; nếu để đến kỳ họp thứ năm của Quốc hội (tháng 5/2023) mới thông qua, thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ rất hạn hẹp.

Trong khi đó, một số nội dung quan trọng về tài chính, xã hội hoá, cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh... tại Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư khiến nhiều đại biểu còn chưa thể yên tâm bấm nút.

Được biết, sau kỳ họp thứ tư, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) đã tổ chức lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức; làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo. Ủy ban cũng đã tổ chức đoàn khảo sát tại một số địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và cơ chế tự chủ bệnh viện.

Như đã nói, tự chủ bệnh viện là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận tại kỳ họp thứ tư, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra bức thiết, song lại chưa hề có sự tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện.

Khi đó, quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận được sự đồng tình của nhiều vị khác. Đó là cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, được tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.

Ngoài ra, cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.

Chỉ rõ, tại Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, trong 121 điều, chỉ một từ “tự chủ” duy nhất được nêu ở Điều 106, đó là chi ngân sách cho tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, tự chủ cũng giống một dòng sông được khơi thông, thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó sẽ được an toàn tiện lợi, còn nếu quy định không cẩn thận, rất dễ đánh đắm các con thuyền đó.

“Vừa rồi, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K gần như là con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt, 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và tự chủ về kinh phí đều không giải quyết được”, ông An khái quát.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo được cơ quan thẩm tra xem xét trong tuần này, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp thứ 18 vào tuần sau, đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Theo đó, Điều 108 khẳng định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thưc hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Chỉ tháo gỡ được một phần vướng mắc

Bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, theo Chính phủ, cũng mới chỉ tháo gỡ một phần vướng mắc.

Tại văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện ý kiến liên quan đến Dự thảo, Chính phủ nêu rõ, qua rà soát cho thấy, các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có liên quan đến rất nhiều luật, gồm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Vì thế, trong giai đoạn trước mắt, Chính phủ nhất trí với việc thiết kế một mục quy định về tài chính y tế trong Dự thảo để tháo gỡ một phần vướng mắc và làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai trong thực tế. Còn về lâu dài, để có thể giải quyết một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, cần nghiên cứu ban hành Luật Đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Theo Chính phủ, Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm cả công lập và ngoài công lập). Luật cũng quy định về giá, chất lượng dịch vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của thị trường đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động tổ chức, đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cả công và ngoài công lập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - người thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo - khẳng định, Bộ Y tế coi tự chủ là một trong các giải pháp lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về tài chính.

Một trong những khó khăn là để các bệnh viện tự chủ được về nhiệm vụ chuyên môn, thì phải có đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, nguồn tài chính. Thế nhưng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể thực hiện vay vốn vì không có tài sản để bảo đảm tiền vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Quản lý nợ công lại không áp dụng với các khoản vay của đơn vị sự nghiệp công lập trong khám bệnh, chữa bệnh.

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về giải bài toán xã hội hóa y tế, trong đó có vấn đề vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế trong số báo tiếp theo.

Bác sĩ giỏi chưa chắc là nhà quản lý tốt

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), cần xem lại "truyền thống" chỉ chọn lãnh đạo các cơ sở y tế công lập là bác sỹ của ngành y. Bởi, khi đưa một bác sỹ giỏi đang nắm giữ vị trí trưởng khoa lên làm lãnh đạo bệnh viện, chắc chắn sẽ mất đi một thầy thuốc giỏi (vì không có thời gian khám chữa bệnh cho bệnh nhân), nhưng chưa chắc đã được một nhà quản lý tốt.

Quản lý một bệnh viện gồm rất nhiều vấn đề, từ kinh tế (thu, chi, đấu thầu, mua sắm, giá); tổ chức cán bộ, bộ máy (bổ nhiệm, đánh giá, tuyển dụng...); công nghệ, chuyển đổi số (bệnh viện điện tử, không giấy tờ); quan hệ công chúng (tiếp xúc bệnh nhân, giải quyết sự cố truyền thông); marketing (tiếp thị bệnh viện). Vì thế, bên cạnh hoàn thiện cơ chế về tự chủ, rất cần thay đổi tư duy về chọn lãnh đạo bệnh viện công.

Điều 108 quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; có trách nhiệm sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính theo quy định của pháp luật, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tự chủ về tài chính bao gồm:

a) Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng nguồn tài chính của cơ sở;

c) Quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do cá nhân, tổ chức, đơn vị cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh;

d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

(Nguồn: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi ngày 28/11/2022)

Quyền Bộ trưởng Y tế nói gì về tự chủ bệnh viện, xã hội hoá y tế?
Quyền Bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan khẳng định, chủ trương xã hội hoá hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực nhà nước cho lĩnh vực y tế chưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư