Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Long An sẵn sàng đón nhà đầu tư “đổ bộ”
Trúc Giang - 26/07/2023 18:47
 
Ngay sau khi tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư về cơ hội mới trong thu hút đầu tư vào tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út tin chắc rằng Long An sẽ mang tới cơ hội quý báu cho các nhà đầu tư.

Long An là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm gần đây, Long An luôn dẫn đầu các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế. Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vai trò, vị thế của tỉnh được xác định ra sao, thưa ông?

Long An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước; là cửa ngõ giao thoa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng Đông Nam Bộ, có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa 2 vùng; liền kề TP.HCM và có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu. Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế  để bức phá, phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đâu là những điểm nhấn tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của Long An theo Quy hoạch, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số. 

Thứ ba, huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vậy còn tiềm năng, lợi thế nổi trội của Long An được nêu bật ra sao trong Quy hoạch?

Long An có nhiều tiềm năng và lợi thế để các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn chọn nơi đây để đầu tư.

Thứ nhất, vị trí địa lý thuận lợi. Long An có vị trí cửa ngõ duy nhất bằng đường bộ nối giữa TP.HCM (rộng hơn là vùng Đông Nam Bộ) với các tỉnh vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tỉnh có mối quan hệ phát triển chặt chẽ với các địa phương Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động nhất, có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước. Tỉnh Long An có đường biên giới giáp với Campuchia, có Khu kinh tế cửa khẩu Long An, trong đó có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu phụ Long Khốt và quy hoạch nhiều khu chức năng.

Thứ hai, lực lượng lao động trẻ và chất lượng. Quy mô lực lượng lao động của tỉnh Long An tăng bình quân 1,72%/năm trong cả thời kỳ 2011-2020, cao nhất vùng ĐBSCL. Tại thời điểm cuối năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở tỉnh Long An khoảng 1,03 triệu người, với tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 71,38%. Tỉnh Long An sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản lý, dễ dàng thu hút các chuyên gia quốc tế đến làm việc và sinh sống.

Thứ ba, môi trường đầu tư thông thoáng. Với nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tỉnh Long An đã có bước tiến đáng kể khi tăng 6 bậc, vươn lên vị trí Top 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022. Bên cạnh đó, chính quyền Long An luôn sát cánh và hỗ trợ các nhà đầu tư với chính sách hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được kích hoạt 24/7, kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư mọi lúc, mọi nơi.

Theo ông, định hướng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh mở ra cơ hội gì cho nhà đầu tư? Về phía địa phương, có những giải pháp thiết thực gì để hỗ trợ, cùng nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế đó nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để chuẩn bị cho các doanh nghiệp “đổ bộ” theo định hướng công nghiệp của tỉnh, Long An sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, nâng tổng khu công nghiệp tỉnh Long An tới năm 2030 là 51 khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.433 ha.

Bên cạnh đó, có 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 72 cụm với tổng diện tích 3.989 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… tại các khu, cụm công nghiệp rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Long An trong thời gian tới. Tận dụng vị trí địa lý “cửa ngõ” độc nhất của vùng ĐBSCL, đưa Long An trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của Vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia. Tỉnh đang xây dựng 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Long An còn tập trung hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng để cùng các nhà đầu tư khai thác các lợi thế và tiềm tiềm năng của tỉnh. Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 tập trung xây dựng 6 trục động lực: Trục động lực Vành đai - Vành đai 4, trực động lực song hành Quốc lộ 62, trực động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh, trực động lực Quốc lộ N1, trục động lực Đức Hoà. Không chỉ vậy, Tỉnh còn tập trung nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây dựng 29 tuyến đường tỉnh nhằm kết nối, giao thương hàng hoá với các vùng trên địa bàn và các địa phương trong vùng.

Với kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, định hướng phát triển rõ ràng, minh bạch; cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương..., tôi tin chắc rằng, Long An sẽ mang tới cơ hội quý báu cho các nhà đầu tư.

Long An đặt mục tiêu thành trung tâm kinh tế năng động phía Nam vào năm 2030
Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế năng động, bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư