Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Luật hóa tiêu chuẩn, chấm dứt cao tốc… hai làn xe
Nguyễn Lê - 31/03/2024 11:45
 
Hệ thống đường cao tốc đang có nhiều bất cập, song tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với loại đường này lại chưa được luật hóa, khiến các đại biểu Quốc hội rất sốt ruột.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đường bộ.

“Chỉ có 2 làn xe mà lại gọi là đường cao tốc”

Chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới, Dự thảo Luật Đường bộ (Dự thảo) đã được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Hội nghị).

Một vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là luật hóa các quy định về đường cao tốc như thế nào để khắc phục những bất cập hiện tại. Đặc biệt là, thời gian qua, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên một số tuyến đường cao tốc, trong đó có đường cao tốc chỉ bố trí 2 làn xe (1 làn xe chạy mỗi chiều), không có dải phân cách cứng, gây chú ý trong dư luận.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp. Nêu ý kiến tại Hội nghị nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề liệu thời gian qua, việc làm đường cao tốc có tùy tiện hay không, khi mà “đường cao tốc 4 làn xe cũng có, 3 làn xe cũng có, giờ 2 làn xe mà lại gọi là đường cao tốc, có hành lang bảo vệ xung quanh, nhưng không có đường tránh mà cũng gọi là đường cao tốc”.

Đề cập tình trạng đại biểu nêu trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) lý giải, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực. Giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm bảo đảm kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, “đừng nói chuyện do điều kiện kinh tế khó khăn” nên mới làm cao tốc 2 làn xe. Cần quy định thẳng vào luật tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, cụ thể đường cao tốc phải thế nào để sau này áp dụng không tùy tiện, tránh làm như hiện nay sẽ không phù hợp.

Nêu thêm ví dụ, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phản ánh, cuối năm 2004, khi tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương được khởi công, có chiều dài toàn tuyến là 41 km, là tuyến đường cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào khai thác. Nhưng, với quy mô đó, tuyến cao tốc này đã không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai, nhất là sau khi dừng thu phí năm 2019 thì lượng phương tiện lưu thông tăng cao khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm.

“Tốc độ lưu thông thực tế chỉ đạt 60 - 70 km/giờ so với thiết kế là 100 - 120 km/giờ. Thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, nhiều phương tiện cố tình lấn làn, vượt ẩu dẫn đến thời gian gần đây, trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn gây kẹt xe hàng giờ, di chuyển rất khó khăn”, bà Vang nêu thực tế.

Chỉ tham gia thảo luận về quy định liên quan đến đường cao tốc, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhận xét, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với đường cao tốc, dẫn đến rất nhiều bất cập. “Vừa qua, ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn, rất nhiều phương tiện gặp tai nạn, liên quan đến nhiều nguyên nhân, trong đó có cả kết cấu và phân kỳ đầu tư. Vì chúng ta chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên rất khó khi đánh giá cũng như triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn”, vị đại biểu Gia Lai nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho hay, qua giám sát các dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án cao tốc, nổi lên rất nhiều bất cập. “Hiện nay, việc chậm tiến độ tại các dự án đường cao tốc liên quan rất nhiều tới việc di dời các hạ tầng kỹ thuật tại các dự án. Có dự án chậm đến 6-7 tháng cũng liên quan đến việc này. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật, có thể kiến nghị sửa tại Luật Đường bộ”, ông Sơn phát biểu.

Cần quy định những nguyên tắc bắt buộc

Nhìn vào Dự thảo, đại biểu Lê Hoàng Anh phân tích, Điều 45 (về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ đối với đường cao tốc) chỉ có một khoản quy định là đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng. Dự thảo có quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải sẽ quy định về điều này.

“Tôi cho rằng, nếu chỉ quy định như thế thì chưa đảm bảo và chưa đầy đủ, nên luật hóa và quy định những nguyên tắc bắt buộc ở trong này, sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải mới ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể”, đại biểu Hoàng Anh nói.

Sau đó, vị đại biểu Gia Lai đề nghị cụ thể 6 điểm cần phải luật hóa. Đó là bắt buộc phải có dải phân cách cứng; phải có làn khẩn cấp; phải có điểm dừng, đỗ; tốc độ các phương tiện di chuyển phải cao nhất trong hệ thống các cấp kỹ thuật, còn cao bao nhiêu ở từng giai đoạn thì do Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải quy định; quy định khổ làn không thấp hơn 3,75 m (hiện có tình trạng điều chỉnh còn 3,5 m vì tiết kiệm và phân kỳ đầu tư nên thu hẹp lại”; phải quy định số làn.

Trên cơ sở luật hóa 6 điều trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, như thế, theo đại biểu Hoàng Anh, sẽ đảm bảo đường cao tốc vừa hiện đại, vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Cũng liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ đối với đường cao tốc quy định tại Điều 45, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại Kỳ họp thứ tám và thông qua tại Kỳ họp thứ chín.

Qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cũng có rất nhiều bất cập trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực đường bộ. Qua quá trình làm việc tại Bộ Giao thông - Vận tải thì thấy cần có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng và thực tế, Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc.

“Chúng ta chưa áp dụng nên chưa biết vận hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn như này có mang lại hiệu quả tích cực hơn hay không. Vì thế, cần có đánh giá một cách kỹ lưỡng, cụ thể hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để khi áp dụng vào Luật Đường bộ thì mang lại tính hiệu quả và tính phù hợp với xu hướng phát triển đường giao thông của thế giới”, ông Sơn nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, vấn đề hiện nay còn nhiều hạn chế. Nhưng, ông Lâm lưu ý, cần xác định rõ quy định chuyển tiếp khi áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc mới vào thực tế. Bởi vì, khi áp dụng tiêu chuẩn mới vào, thì một số tuyến đường sẽ không còn là đường cao tốc nữa.

“Điều 44 quy định chung đối với đường cao tốc đã xác định rằng, đường cao tốc là có dải phân cách, 2 chiều xe chạy riêng biệt. Thế thì một số đường cao tốc hiện nay không có dải phân cách, chắc chắn không thể gọi là đường cao tốc nữa. Vậy quá trình tiếp theo sẽ phải xử lý ra sao cho thuận lợi?”, ông Lâm nêu vấn đề.

Thống nhất với quan điểm của các vị đại biểu trên, đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị sớm xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã ban hành.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là phù hợp

Thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.

Hồi âm tại báo cáo trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội giải thích, để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, nếu sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn, quy định thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là phù hợp, không dẫn đến phí chồng phí.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư