Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Luật Kinh doanh bảo hiểm cần “phiên bản mới”
Mạnh Bôn - 26/09/2021 13:49
 
Kinh doanh bảo hiểm vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. “Nhưng đã đến lúc phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ hơn, vì còn rất nhiều tiểm năng”.

PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI bình luận. 

PGS-TS Đặng Văn Thanh.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển thế nào trong gần 2 năm qua, khi hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thưa ông?

Hiện tại, Việt Nam có 70 doanh nghiệp bảo hiểm, cung cấp khoảng 2.740 sản phẩm bảo hiểm, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Trong nhiều năm qua, tổng tài sản của toàn bộ thị trường bảo hiểm tăng bình quân 19%/năm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 19,4%/năm, doanh thu tăng trên 19%/năm, vốn chủ sở hữu tăng hơn 13%/năm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm 282.596 tỷ đồng.

Điều rất bất ngờ là, trong khi hầu hết hoạt động của nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, với 85-87% số doanh nghiệp chỉ đang cố gắng cầm cự, thị trường bảo hiểm vẫn tiếp tục đà tăng trưởng.

Cụ thể, năm 2020, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì được sự tăng trưởng khả quan, với tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước đạt 552.400 tỷ đồng, tăng 21,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế 460.500 tỷ đồng, tăng 22,3%; vốn chủ sở hữu đạt 113.500 tỷ đồng, tăng 27%; tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 184.700 tỷ đồng, tăng trên 15%.

Còn trong 8 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu phí bảo hiểm đạt 133.040 tỷ đồng, tăng gần 17%.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70%) quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, góp phần đáng kể giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Với tốc độ phát triển bình quân ở mức 17-19%/năm trong nhiều năm gần đây, ông có nghĩ rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã “đủ lớn”?

Thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể nói là vẫn còn rất nhỏ so với quy mô dân số gần 100 triệu người, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện (trừ năm 2020 và năm 2021 do dịch bệnh), số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm thêm khoảng 100.000 doanh nghiệp. Quy mô thị trường bảo hiểm/GDP, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế… của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và so với mức bình quân thế giới.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành được ban hành từ năm 2020, đã “làm tròn sứ mệnh lịch sử”, đã đến lúc phải có “phiên bản mới” cao cấp hơn mới đáp ứng được sự phát triển của thị trường này cũng như nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có nhiều rủi ro và rất nhiều người dân có ý thức sử dụng tiền tiết kiệm để mua bảo hiểm. Ngoài ra, nhiều sản phẩm bảo hiểm có tính an sinh xã hội cao như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí... cần được khuyến khích phát triển, vì đây là một trong những lưới an sinh xã hội rất hiệu quả mà chưa được luật hóa cụ thể.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai. Ông quan tâm đến những nội dung nào nhất trong Dự thảo?

Tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn, nhưng có một thực tế là, rất nhiều người dân… sợ đại lý bảo hiểm, nhân viên môi giới bảo hiểm. Cứ nghe đến môi giới bán bảo hiểm, bất kể là sản phẩm bảo hiểm gì của công ty nào, thì có đến 90% người dân không muốn tiếp. Vì sao vậy? Vì vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng giữa các công ty bảo hiểm dưới nhiều hình thức; phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm. Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm còn hiện tượng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của khách hàng, thậm chí có tình trạng xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Mua bảo hiểm thì dễ, nhưng lúc đòi bồi thường hoặc lấy lại một phần tiền bảo hiểm đã đóng do không thể tiếp tục tham gia thì không khác gì “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”.

Ngược lại, tình trạng gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam mặc dù chưa cao như nhiều nước trên thế giới, nhưng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và sẽ còn gia tăng mạnh mẽ cùng với sự hội nhập, phát triển kinh tế và sự tăng trưởng đột phá của công nghệ thông tin.

Theo ông, phòng ngừa gian lận bảo hiểm bằng cách nào?

Các cụ có câu “đói ăn vụng, túng làm liều”, càng trong những lúc khó khăn như đại dịch và hậu đại dịch Covid-19, thì tình trạng “làm liều” càng gia tăng trong mọi hoạt động kinh tế cũng như xã hội, chứ không riêng gì lĩnh vực bảo hiểm. Vì vậy, phải nhận dạng các “mánh lới” để có chế tài xử lý.

Gian lận bảo hiểm là hành vi cố tình gian dối, lừa đảo nhằm chiếm tiền bảo hiểm. Hành vi gian lận bảo hiểm có thể xuất hiện trong hầu hết các khâu, giai đoạn trong quy trình kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, cần nhận diện cho được, cho hết các hình thức, đối tượng và hành vi gian lận bảo hiểm.

Chế tài phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm phải xuất phát từ gốc và phải bao phủ, tiếp cận mọi hành vi gian lận có thể xảy ra trong mọi khâu, mọi giai đoạn của quy trình kinh doanh bảo hiểm, từ sản phẩm bảo hiểm, phương thức bảo hiểm, giao kết hợp đồng, cho đến quá trình thực hiện hợp đồng và kết thúc hợp đồng bảo hiểm. Phải bao phủ toàn bộ đối tượng tham gia, từ doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm, đến nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cộng tác viên của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông có cho rằng, một bộ phận người dân… sợ môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tức là đạo đức của người kinh doanh bảo hiểm có vấn đề?

Đúng vậy. Khi sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này, phải có quy định về bộ quy tắc đạo đức đối với người hành nghề bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm là nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nên ngoài các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề như một số ngành nghề khác, thì Luật Kinh doanh bảo hiểm cần có thêm quy định về đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp đối với người tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Chỉ khi có được bộ quy tắc đạo đức, thì mới giảm thiểu được tình trạng tiếp tay cho khách hàng gian lận hoặc cố tình chèo kéo, tư vấn lờ đi các thông tin “nhạy cảm”, nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm… Làm sao trách nhiệm của nhân viên bảo hiểm với khách hàng khi nhận tiền bảo hiểm đáo hạn, rút trước hạn hoặc đền bù thiệt hại như lúc tư vấn, môi giới, giới thiệu bán bảo hiểm thì mới lấy được lòng tin của người dân và thị trường bảo hiểm mới có thể phát triển bền vững.

Không tạo gánh nặng về tài chính và hành chính cho doanh nghiệp bảo hiểm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 3, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư