Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Luật Quy hoạch - Dự luật của cải cách
Hà Nguyễn - 11/11/2016 09:17
 
Được coi là một dự luật của cải cách, của đổi mới, nên khi Dự thảo Luật Quy hoạch chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến và nhận được sự đồng thuận rất lớn từ dư luận, thì đòi hỏi tiếp theo là phải sớm hoàn thiện Luật, đồng thời giải quyết thấu đáo mối quan hệ với các luật khác.

Để làm được điều đó, ngoài sự đồng thuận, còn cần quyết tâm chính trị rất lớn từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan hoạch định chính sách. Nói vậy là bởi chỉ riêng việc giải quyết mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật khác đã là một công việc không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó.

Một con số khiến dư luận giật mình, vì hiện có tới 95 luật, pháp lệnh quy định về hoạt động quy hoạch. Trong số này, có 51 luật, pháp lệnh quy định chung về quản lý quy hoạch; 44 luật, pháp lệnh quy định cụ thể về hoạt động quy hoạch.

Thực tế, cũng vì có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quy hoạch, nên đã dẫn đến tình trạng xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, pháp lệnh về khái niệm, phạm vi, đối tượng, loại và cấp lập quy hoạch... cũng như việc thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động quy hoạch…

Cũng bởi thế, tình trạng “loạn quy hoạch” ngày càng thêm trầm trọng.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là muốn dẹp loạn quy hoạch, muốn thông qua và thực thi Luật Quy hoạch một cách hiệu quả, trước hết sẽ phải “giải quyết” được sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, pháp lệnh, đồng thời đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Một con số được Ban soạn thảo Luật Quy hoạch đề xuất, đó là có thể giữ nguyên 52 luật và pháp lệnh trong số 95 luật và pháp lệnh nói trên, nhưng sẽ phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều của 43 luật, pháp lệnh. Con số trên cho thấy, sẽ còn một phần việc khổng lồ, đòi hỏi các cơ quan lập pháp, cơ quan hoạch định chính sách và cả các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực thực hiện, để làm sao tạo được tính thống nhất khi thực thi các chính sách pháp luật về quy hoạch.

Được xác định là dự luật khung, quy định những vấn đề chung nhất về công tác quy hoạch, nếu muốn Luật Quy hoạch khả thi và góp phần quan trọng thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay, thì không thể chỉ đơn thuần cắt bỏ một cách cơ học. Biện pháp trước hết là rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, kế thừa và tích hợp những nội dung cần thiết để đưa vào Luật Quy hoạch, cũng như giữ lại ở các luật, pháp lệnh chuyên ngành…

Xây dựng, thông qua và thực hiện Luật Quy hoạch đòi hỏi quyết tâm rất lớn từ cả bộ máy chính trị khi nhiều nội dung của Dự thảo Luật được cho là động chạm nhiều tới lợi ích nhóm, lợi ích của một số bộ, ngành, địa phương. Việc giải quyết mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch và các luật khác cũng đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực lớn không kém.

Nhưng khó cũng phải làm, vì Luật Quy hoạch được coi là một dự luật của cải cách, của đổi mới. Chỉ khi Luật Quy hoạch được thực thi hiệu quả thì hệ thống quy hoạch mới có thể tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể. Khi đó, quy hoạch sẽ thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển. Ngoài ra, quy hoạch sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

“Dẹp loạn” quy hoạch (bài 4): Cấp thiết có quy hoạch tổng thể quốc gia
Đã có sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội về việc cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch. Điều này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư