Thứ Sáu, Ngày 09 tháng 05 năm 2025,
Lý do bổ sung quy định kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
T.L - 09/05/2025 10:07
 
Việt Nam đang nằm trong Danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FAFT) và có nguy cơ rơi vào danh sách đen nếu không có hành động cải thiện. Đây là lý do dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Nguy cơ thiệt hại lớn nếu không kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp

Sáng nay (9/5), Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Điểm mới của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung 15 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định, kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

f

 Sáng 9/5/2025, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc yêu cầu kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi có làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nhưng so sánh lợi ích - rủi ro thì việc không quy định nội dung này sẽ thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Cụ thể, theo nghiên cứu của IMF, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài. Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính của Việt Nam (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu USD tùy thuộc quy mô nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 25 quốc gia/vùng lãnh thổ trong Danh sách xám của FAFT. Ngày 7/3/2025, Thủ tướng Chính phủ nhận được thư của Chủ tịch FAFT thông báo diễn biến mới nhất của Hội nghị toàn thể FAFT liên quan đến đến tiến triển của Việt Nam trong việc thực hiện hành động quốc gia. Theo đó, FAFT xác nhận Việt Nam chưa hoàn thành kế hoạch hành động, và Việt Nam đã được đưa vào tài liệu công khai tại mục Các quốc gia trong quy trình giám sát tăng cường trên trang Web FAFT và chịu sự giám sát tăng cường tối thiểu 1-2 năm tới (giám sát tăng cường được hiểu là các nước đang trong Danh sách xám, đang xem xét đưa vào danh sách đen nếu không có tiến triển ở các hành động đã cam kết).

Theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, quy định bổ sung về kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp không phát sinh thêm thủ tục hành chính (Việc bổ sung thêm các quy định về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp chỉ mở rộng đối tượng kê khai (tăng thời gian kê khai thông tin). Tuy nhiên, hiện trên 93% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua mạng điện tử và các hồ sơ này được miễn lệ phí đăng doanh nghiệp. Do vậy, chi phí và thời gian kê khai về cơ bản không tạo áp lực cho doanh nghiệp/người thành lập doanh nghiệp.

Do đó, cơ quan thẩm tra tán thành bổ sung nội dung kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp vào dự thảo luật. Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.  

Bên cạnh đó, để bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào Danh sách Đen, cùng với việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước có liên quan.

Cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký kinh doanh: Dùng căn cước công dân thay toàn bộ giấy tờ truyền thống

Về gia nhập thị trường, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Theo đó, việc đăng ký doanh nghiệp chỉ cần sử dụng định danh cá nhân, thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.

Theo tờ trình của Chính phủ, thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.

Về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật giảm quy định tiền kiểm, tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp.

Dự thảo cũng sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với nhiều quy định tại dự thảo Luật về nội dung này song đề nghị rà soát, làm rõ có bao gồm trường hợp chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 2 Điều 206); doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án (điểm c khoản 2 Điều 206)…

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 215 (điểm a khoản 24 Điều 1 dự thảo Luật) về ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập thuộc nội dung tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đều là cơ quan, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân, chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, không phải cơ quan, tổ chức có chức năng độc lập.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương sẽ được Chính phủ quy định cụ thể khi Luật có hiệu lực theo quy định tại khoản 5 Điều 215 Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng chung về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Luật Doanh nghiệp.  

Điều hòa công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư