Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
M&A bán lẻ và nguy cơ “tập trung kinh tế”
Nguyên Đức - 08/05/2016 08:21
 
Liên tiếp các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám trong lĩnh vực bán lẻ đã diễn ra, với sự xuất hiện ngày càng nhiều đại gia ngoại. Điều này một mặt khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng mặt khác lại ẩn chứa mối nguy “tập trung kinh tế” trong tay nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng thì cuộc đua giành quyền sở hữu hệ thống BigC Việt Nam - vốn thuộc Tập đoàn Casino (Pháp) - đã có người thắng cuộc. Đó là Central Group (Thái Lan) cùng đối tác Việt Nam của mình là Nguyễn Kim. Giá trị của thương vụ lên tới 950 triệu euro.

Hẳn nhiên, đây không phải là thương vụ cuối cùng, nhưng lại là thương vụ đánh dấu một cuộc đua không ngừng nghỉ và vô cùng quyết liệt trên thị trường M&A lĩnh vực bán lẻ thời gian qua. Từ thương vụ nửa năm trước, khi Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan thâu tóm thành công hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ tay Tập đoàn Metro Group của Đức để đổi tên thành Mega Market, hay trước đó nữa là việc Aeon (Nhật Bản) mua thêm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, rồi Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart…

Đã xác định được người thắng cuộc trong cuộc đua giành quyền sở hữu hệ thống BigC Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Đã xác định được người thắng cuộc trong cuộc đua giành quyền sở hữu hệ thống BigC Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Không chỉ là thực hiện các thương vụ M&A, các đại gia bán lẻ nước ngoài như Ministop, Aeon (Nhật Bản) hay Lotte (Hàn Quốc), Auchan (Pháp)... cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.

Tại các thành phố lớn, nhỏ ở Việt Nam, nhan nhản các cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu ngoại. Chỉ riêng BigC đã có chuỗi 32 siêu thị. Và cũng chỉ tính phần sở hữu của Central Group, thì tập đoàn này hiện có hơn 6.600 nhân viên tại Việt Nam, làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau, bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.

Cũng dễ hiểu, tỷ lệ nghịch với xu hướng bành trướng của nhà đầu tư ngoại là sự teo tóp dần của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Hapromart, Sapomart và G7 Mart. Trong khi đó, Vinmart, Saigon Co.op... vẫn đang nỗ lực cạnh tranh với các đối thủ ngoại.

Sự có mặt ngày càng nhiều của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường đã ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Xét về thu hút đầu tư, đây là tín hiệu đáng mừng. Xét về sự phát triển của các hoạt động M&A, đây cũng là lời khẳng định cho dự báo về một “làn sóng M&A” thứ hai tại Việt Nam.

“Hiện nay, công cụ để mở rộng quy mô trên thị trường bán lẻ là M&A. Điều này xảy ra hết sức thuận lợi với các doanh nghiệp bán lẻ có yếu tố nước ngoài”, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cũng đã nói như vậy tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ cuối tuần trước.

Vấn đề nằm ở chỗ, đằng sau sự xuất hiện rầm rộ của các nhà đầu tư ngoại là mối lo hàng Việt thất thế, mối nguy “tập trung kinh tế” trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đã thẳng thắn bày tỏ rằng, tuy làn sóng thâm nhập mạnh mẽ từ các đại gia bán lẻ nước ngoài đem lại thời cơ lớn cho thị trường, song cũng lại là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam, trước “nguy cơ bị nhà bán lẻ nước ngoài thôn tính, chiếm lĩnh thị trường”. Nỗi lo hàng Thái, hàng ngoại nhập lấn át hàng nội cũng đã được nhắc tới và đó là nguy cơ hiện hữu.

Việt Nam, theo cam kết gia nhập WTO, đã mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 và khi đã mở cửa, khó có thể chặn sự thâm nhập của nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Cũng bởi vậy, cuối tháng 3/2016 và đầu tháng 4/2016, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã hai lần có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động bán lẻ của các doanh nghiệp ngoại.

Trả lời văn bản của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cuối tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật, các hành vi tập trung kinh tế của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường bán lẻ theo quy định của pháp luật.

Văn bản này cũng giao Thanh tra Chính phủ xem xét xử lý theo quy định đối với việc đề nghị thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cơ quan, địa phương liên quan trong quản lý, cấp phép hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Việc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa yêu cầu TCC Holdings báo cáo lại quá trình mua lại Metro Cash & Carry có lẽ cũng là một động thái để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên một khía cạnh khác, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cần xem lại các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Bởi như nhận định của ông Huỳnh Văn Minh, dù hàng rào kỹ thuật “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khi xin phép mở một điểm bán lẻ đã được dựng lên để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, song thực tế, biện pháp này đã không phát huy hiệu quả.

“Quy định ENT chưa cụ thể và chưa phải là một khung ENT ở cấp độ toàn quốc, mỗi địa phương áp dụng một kiểu, do vậy các nhà bán lẻ trong nước hầu như không được hưởng chính sách bảo vệ nào trong suốt thời gian qua như tinh thần mà đoàn đàm phán WTO của Việt Nam dự tính”, ông Huỳnh Văn Minh đã nói vậy.

Thực tế, khi ENT được dựng lên, ban đầu, các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng phản ứng và coi đây là một rào cản khi tiến quân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhưng đến nay, dường như không nhà đầu tư nào nhắc đến ENT nữa, mà ngược lại, quy mô hoạt động của họ tại Việt Nam ngày một “phình” ra. Và doanh nghiệp nội thì ngày càng yếu thế.

Một điều luôn được khẳng định, đó là không thể vì sự yếu kém của doanh nghiệp trong nước mà “kìm chân” doanh nghiệp ngoại. Song rõ ràng, có những mối lo đằng sau các thương vụ M&A đình đám trong lĩnh vực bán lẻ. Và giải quyết thỏa đáng, hài hòa bài toán lợi ích của doanh nghiệp nội, ngoại và cả người tiêu dùng Việt trong trường hợp này là cần thiết. Hoạt động của nhà đầu tư ngoại tại thị trường Việt Nam phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật và cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên, còn các doanh nghiệp nội cũng cần được trao cơ chế, chính sách để có thể phát triển một cách thuận lợi.

Vì rào cản, Saigon Co.op chấp nhận Big C thuộc về Central Group
Central Group và Nguyễn Kim đã thâu tóm được thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư