Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
M&A: Chỉ nhiệt tình, dễ vỡ mộng
Hà Tâm - 15/08/2013 22:12
 
Tại Hội thảo “Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá” do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức vừa qua tại Hà Nội, các chuyên gia M&A khẳng định, nếu chỉ tìm mọi cách hoàn tất thương vụ một cách vội vàng, không tìm hiểu kỹ thông tin, hành động dựa trên cảm tính,  thì rất dễ mắc sai lầm.

Ông Marc Djandji, Phó giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định: “Với số lượng người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, ASEAN đang trở thành điểm nóng hấp dẫn M&A".

   
  GS. Nigel Descombe (bên trái) trao đổi tại Hội thảo Chiến lược M&A
để tăng trưởng đột phá (Hà Nội, ngày 12/8/2013)
 

Theo ông Marc Djandji, trên thế giới, đang hình thành xu hướng các nhà đầu tư dần chuyển vốn khỏi Ấn Độ, Trung Quốc, tiến hành các hoạt động M&A tại Asean.

Giá trị M&A tại Asean năm 2012 đạt 90 tỷ USD, chiếm 4% tổng giá trị M&A của thế giới và 20% các thương vụ M&A tại châu Á.

Riêng tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A năm 2012 đã tăng hơn 70% so với năm 2011.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư này từ nay đến năm 2015.

Tuy M&A mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng trưởng đột phá, song không phải lúc nào M&A cũng cho quả ngọt. Theo nghiên cứu của chuyên gia quản trị chiến lược quốc tế - GS. Nigel Denscombe, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Tập đoàn Denscombe tại Tokyo và New York, có tới 80% doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng sau M&A.

“Doanh nghiệp Việt Nam rất nhiệt tình với hoạt động M&A, nhưng họ chỉ tìm mọi cách hoàn tất thương vụ một cách vội vàng, không tìm hiểu kỹ thông tin, hành động dựa trên cảm tính, nên dễ mắc sai lầm”, GS. Nigel Denscombe nhận xét.

Theo giải thích của vị chuyên gia này, “vỡ mộng” hậu M&A xảy ra là do các doanh nghiệp không điều tra, nghiên cứu kỹ trước khi M&A, đặc biệt là chưa vạch ra được chiến lược để làm việc với đối tác hậu M&A. Hệ quả là, hai doanh nghiệp sau khi mua bán, sáp nhập không thể tích hợp được với nhau.

Đồng quan điểm, ông Marc Djandji cho rằng, hoạt động M&A cũng như một cuộc hôn nhân, cả hai phải dành thời gian để tìm hiểu thật kỹ đối tác.

“Có hiểu rõ nhau, thì mối quan hệ mới bền vững, chứ mỗi người một mong muốn, thì đổ vỡ là điều rất dễ xảy ra”, ông Marc Djandji nói.

Thương vụ Tập đoàn Fortis đầu tư vào Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ được nhắc đến như một ví dụ tiêu biểu của một thương vụ M&A thành công. Trị giá của doanh nghiệp đã tăng từ 100 triệu USD (năm 2011) lên 120 triệu USD sau hơn 1 năm.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết: “Khi lên kế hoạch M&A, có rất nhiều đối tác đến với chúng tôi. Nhưng chúng tôi xác định ngay từ đầu là tìm đối tác có chiến lược, văn hóa gần giống với mình và chúng tôi tìm thấy sự gần giống ấy từ các đối tác ở châu Á”.

Bên cạnh việc lựa chọn những đối tác phù hợp, các chuyên gia M&A cũng khuyến cáo, doanh nghiệp khi tiến hành M&A, nên tìm đến các ngân hàng đầu tư để đạt được giá trị thương hiệu một cách tối ưu nhất. Các ngân hàng đầu tư không chỉ là kênh môi giới, mà còn là đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp phát triển.

Một vấn đề nữa là doanh nghiệp Việt Nam thường có hai báo cáo tài chính để che giấu doanh thu thật nhằm trốn thuế. Điều này không có lợi khi định giá doanh nghiệp. Trong trường hợp này, để xác định đúng giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đưa ra được số liệu đáng tin nhất và phải xác thực độ tin cậy của các báo cáo đó qua các kênh độc lập. Báo cáo càng minh bạch, tỷ lệ thành công trong đàm phán càng cao.

M&A ngân hàng không chỉ là phép cộng
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng không chỉ đơn thuần là phép cộng, mà cần có sự đồng thuận, nhất trí cao lẫn việc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư