Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
M&A ngân hàng không chỉ là phép cộng
Thùy Vinh - 13/08/2013 22:19
 
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng không chỉ đơn thuần là phép cộng, mà cần có sự đồng thuận, nhất trí cao lẫn việc gắn kết về văn hóa giữa các bên liên quan. Thời điểm vàng để M&A đàm phán giá tốt nhất

Phải tận dụng được sức mạnh tổng hợp của M&A

Tại Diễn đàn M&A 2013 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM vừa tổ chức tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hòa, Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phát biểu, việc thực hiện M&A không chỉ là việc hai tổ chức hợp lại với nhau, mà còn do hoạt động của ngành ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với tiền, luôn tác động tới khu vực tư nhân…, nhất là khi có sự tham gia của đối tác nước ngoài, nên cần phải đảm bảo sau M&A, giá trị phải tăng cao hơn để không gây thiệt hại cho nền kinh tế. Chính vì vậy, các hoạt động M&A ngân hàng phải có sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Hoạt động M&A giữa các ngân hàng cần có sự đồng thuận, nhất trí cao
lẫn việc gắn kết về văn hóa giữa các bên liên quan

“M&A giữa các ngân hàng có thể xảy ra, nhưng điểm cuối cùng là giá trị, chứ không phải chỉ là hình thức mua lại cổ phần hay sáp nhập như trước”, bà Hoà nói.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, M&A giữa các ngân hàng không chỉ là phép cộng, mà cần có sự cải tổ và đẩy mạnh phát triển thời kỳ hậu M&A. Đó mới chính là tinh thần và ý nghĩa của Đề án Tái cấu trúc ngành ngân hàng mà NHNN đang chỉ đạo thực hiện.

Sau khi hai ngân hàng hợp nhất, ngân hàng mới sẽ tạo ra giá trị hợp lực, song để đạt được kỳ vọng trong thời kỳ hậu M&A, cần có sự đồng thuận và nhất trí cao giữa hai bên, đồng thời phải gắn kết cả về văn hóa doanh nghiệp.

Ông Hạ Bá Trực, Giám đốc Đầu tư của HDBank cho biết, thực tiễn cho thấy, có đến 70% các thương vụ M&A thất bại trong quá trình hậu sáp nhập. Nguyên nhân là do các đối tác bỏ qua những thách thức tiềm ẩn trong việc tích hợp và đánh giá quá cao sức mạnh tổng hợp.

“Vì thế, ngân hàng cần có thông cáo cụ thể để có thể truyền tải thông tin về M&A và cho mọi người biết đây là cơ hội. Từ đó, động viên tinh thần nhân viên và gây ấn tượng tốt với khách hàng”, ông Trực nói.

M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn

Theo ông Trực, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ sôi động hơn thời gian tới, khi áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng gia tăng, cộng với chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng của NHNN.

“M&A là chiến lược để thu hút thêm khách hàng, phát triển mạng lưới kinh doanh, cũng như gia tăng thị phần cho ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ có thể sáp nhập lại để trở thành một ngân hàng lớn, mạnh hơn. Nhưng để đạt được điều này, đòi hỏi phải có sự hợp lực, hợp sức giữa hai bên”, ông Trực nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hòa, trước đây, hoạt động M&A ngân hàng chủ yếu là việc ngân hàng trong nước bán cổ phần cho tập đoàn tài chính trong nước, hay nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này trở nên sôi động hơn, trước chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý là, đối với các ngân hàng nhỏ, áp lực tái cấu trúc để tồn tại và phát triển đang ngày một gia tăng và buộc phải chọn hình thức M&A.

“Tới đây, sẽ có những phương án tái cấu trúc cụ thể của từng ngân hàng và sẽ đề xuất cụ thể ngân hàng nào có thể sẽ sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay bán cổ phần cho ngân hàng nào. Trên cơ sở pháp lý, các ngân hàng sẽ tự tìm đối tác, tự đàm phán… Tuy nhiên, với các tổ chức tín dụng không tự xử lý được, chúng tôi sẽ trình Chính phủ để tham gia đàm phán với các tổ chức nước ngoài nhằm thực hiện đề án tái cấu trúc”, bà Hòa nói.

Cũng tại Diễn đàn M&A, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu tất cả các ngân hàng, kể cả những ngân hàng hiện không nằm trong diện phải tái cơ cấu.

Cụ thể, NHNN đã thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng để tìm ra các ngân hàng yếu kém và tiến hành xử lý thông qua hình thức tái cơ cấu. Cho đến nay, các phương án tái cơ cấu của các ngân hàng đều trên tinh thần tự nguyện, thông qua hình thức M&A. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình này và nếu cần thiết, sẽ dùng đến các giải pháp cứng rắn để có thể lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tạo ra những ngân hàng khoẻ mạnh hơn.

Sẽ thêm nhiều ngân hàng M&A tự nguyện
Ông Hạ Bá Trực, Giám đốc đầu tư Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) nhận định, mua bán và sáp nhập (M&A) là một trong những chiến lược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư