Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Malaysia sẽ phê chuẩn Hiệp định RCEP trong năm 2021
T.T - 22/09/2021 10:02
 
Malaysia cam kết hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào giữa tháng 12 năm nay.
Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia Mohamed Azmin Ali. Ảnh: malaymail.com
Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia Mohamed Azmin Ali. Ảnh: malaymail.com

Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia, ông Mohamed Azmin Ali ngày 21/9 cho biết, quá trình phê chuẩn tuân theo thỏa thuận được ký kết tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ tư diễn ra ngày 15/11/2020.

Theo đó, dựa trên các quy định của RCEP, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và ba đối tác FTA ASEAN đệ trình các văn kiện phê chuẩn lên Ban thư ký ASEAN. Đến nay, các quốc gia đã phê chuẩn hiệp định gồm có Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản. Myanmar đã gửi hồ sơ phê chuẩn tới Ban thư ký ASEAN trong khi Thái Lan đã hoàn tất quá trình phê chuẩn trong nước và sẽ đệ trình văn kiện phê chuẩn lên Ban thư ký ASEAN vào cuối năm nay.

Tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 vào ngày 9/9 vừa qua, các quốc gia thành viên ASEAN mong muốn RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 theo mục tiêu đã đề ra. Các quốc gia như Brunei, Philippines, Indonesia, Campuchia và Việt Nam đã công bố ý định hoàn tất quá trình phê chuẩn trong nước vào tháng 11 tới.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội, ông Azmin cho biết đối với Malaysia, quy trình phê chuẩn RCEP yêu cầu sửa đổi ba Đạo luật dưới sự xem xét của Bộ Nội thương và Các vấn đề người tiêu dùng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đó là Đạo luật Sáng chế, Đạo luật Bản quyền và Đạo luật Nhãn hiệu.

Theo ông, điều này là để đảm bảo rằng các Đạo luật phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia theo Hiệp định RCEP. Cũng theo ông Azmin, nếu Malaysia trì hoãn việc phê chuẩn, quốc gia này sẽ bị tụt hậu trong việc hưởng các lợi ích và đối xử ưu đãi như trong hiệp định.

Những lợi ích được kể đến bao gồm: Giảm thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu, tiếp cận thị trường thương mại dịch vụ, sự di chuyển của các chuyên gia lành nghề cũng như các cơ hội tăng cường hoạt động đầu tư giữa các nước thành viên RCEP.

RCEP là FTA lớn nhất thế giới với thị trường chiếm gần 1/3 dân số thế giới, tương đương với khoảng 2,2 tỷ người. RCEP bao gồm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định RCEP
Sau khi Nhật Bản, đến lượt Chính phủ Trung Quốc công bố đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư