Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Mang tinh thần Chiến thắng 30/4 vào sửa đổi Hiến pháp
Nguyên Đức - 29/04/2013 06:59
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, giờ đang là thời cơ để phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân để sửa đổi Hiến pháp, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
TIN LIÊN QUAN
"Sửa đổi Hiến pháp cần tạo được không khí dân chủ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân" - ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thưa ông, Việt Nam đang trong những ngày kỷ niệm 38 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, cũng đang trong giai đoạn ráo riết góp ý để sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Chiến thắng 30/4 là dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Dịp kỷ niệm năm nay càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi chúng ta đang nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chúng ta hãy mang tinh thần của Chiến thắng 30/4 vào sửa đổi Hiến pháp. Một trong những bài học lớn lao của chiến thắng vĩ đại 30/4 là chúng ta đã phát động được tinh thần cách mạng, đại đoàn kết dân tộc.

Lần này, sửa đổi Hiến pháp, cũng cần tạo ra được không khí dân chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thống nhất ý chí của toàn dân để có một bản hiến pháp mới, đáp ứng được tình hình hiện nay của đất nước, tạo đà cho đất nước tiến lên.

Gần 4 thập kỷ qua, Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để có được một vị thế lớn trên toàn cầu và trong khu vực. Thành công không ít, nhưng thực tế là, chúng ta đang ở một giai đoạn khó khăn, thách thức vô cùng lớn. Để vượt qua giai đoạn này, có ý kiến cho rằng, ổn định chính trị là yếu tố tiên quyết. Quan điểm của ông ra sao?

Đúng là như vậy. Và có lẽ cũng vì thế mà kỳ sửa đổi Hiến pháp lần này, dư luận đã bàn rất nhiều đến vai trò của Đảng. Có người muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp. Có người lại cho rằng, cần giữ Điều 4 và hơn thế nữa cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ở chỗ này chỗ khác.

Một quan điểm nữa là vẫn giữ Điều 4, song cần bổ sung những yếu tố cốt lõi để đảm bảo sự đổi mới của Đảng ta. Và tôi đồng ý với quan điểm thứ ba này. Tôi cũng ủng hộ Ủy ban sửa đổi Hiến pháp khi đã quy định rõ rằng, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói chung chung như thế thì e rằng chỉ là khẩu hiệu thôi. Điều quan trọng là phải có cơ chế về sự lãnh đạo của Đảng. Nghĩa là, sau khi Hiến pháp được thông qua, thì phải có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng. Trong đạo luật ấy cần bao gồm những nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Vì vây, theo tôi, Điều 4 nên viết lại như sau: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân; việc giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định”.

Một vấn đề khác nữa, thưa ông, mà gần đây dư luận thường nói tới, đó là vấn đề lòng tin - một trong những yếu tố cốt tử làm nên một Việt Nam hôm nay. Nhưng lòng tin hiện nay đã bị sứt mẻ. Vậy thì phải làm sao để chúng ta có thể khôi phục và giữ vững lòng tin, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt?

Như tôi đã nói ở trên, nếu sửa đổi được Điều 4 Hiến pháp theo hướng ấy, chúng ta sẽ có được sự đổi mới toàn diện trong Đảng. Đảng làm tốt thì nhân dân sẽ tin. Do vậy, trong kỳ sửa đổi Hiến pháp lần này, phải thực sự dân chủ, để nhân dân được làm chủ, được thảo luận và có quyền phúc quyết những vấn đề cốt lõi của đất nước.

Tôi rất đồng tình với việc Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trong nhiều nội dung, đã đưa ra hai phương án để lấy ý kiến nhân dân. Tên nước là một ví dụ. Cần phải có thêm nhiều nội dung khác nữa có các phương án khác nhau để toàn dân thảo luận và thực hiện quyền phúc quyết của mình.

"Tôi tin đa số nhân dân vẫn một lòng một dạ với sự nghiệp cách mạng"

Sự hưng thịnh của một quốc gia, suy cho cùng đều liên quan đến vấn đề kinh tế. Ở lần sửa đổi Hiến pháp này, có một nội dung rất quan trọng, đó là quy định về sự bình đẳng của các thành phần kinh tế. Nội hàm này, theo ông, sẽ mang lại điều gì cho kinh tế Việt Nam?

Tôi ủng hộ và cũng tin là đa số nhân dân sẽ ủng hộ quy định về việc các thành phần kinh tế bình đẳng. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, lĩnh vực nào thấy cần thiết, chúng ta vẫn có thể giữ lại để kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời củng cố và làm tốt lên, chứ như hiện nay, hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là không ổn.

Thực tiễn những năm tháng vừa qua đã cho chúng ta bài học cay đắng, khi mà bên cạnh những mặt được, thì cũng có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước được Nhà nước bỏ vốn vào đấy quá nhiều, trao cho những đặc quyền, nhưng thua lỗ, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Bởi thế, phải tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, coi trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi trọng thành phần kinh tế tư nhân. Vẫn giữ doanh nghiệp nhà nước, nhưng chỉ ở một vài lĩnh vực nhất định, còn lại là phải dành chỗ cho khu vực tư nhân, hoặc là cổ phần hóa...

Đồng thời, phải tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả. Đây là một sự đổi mới cần thiết và quan trọng, nó sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho nền kinh tế.

Hiến pháp vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.Theo ông, đâu là yếu tố cơ bản để sửa đổi Hiến pháp đạt kết quả?

Ta có thể nói một câu rất ngắn gọn là: Dân chủ. Bây giờ, lòng tin của dân có rất nhiều vấn đề. Vì thế, nếu chúng ta biết phát huy dân chủ trong sửa đổi Hiến pháp, thì sẽ lấy lại được lòng tin của dân. Nhân dân ta đã trải qua nhiều thử thách nên ý thức chính trị rất cao.

Ngày nay, tầm tư duy chính trị lại sắc sảo hơn trước đây. Trong quá trình đóng góp ý kiến để sửa đổi Hiến pháp, có những người có tiếng nói khác, quan điểm khác, nhưng tôi tin là, đa số nhân dân vẫn một lòng một dạ với sự nghiệp cách mạng mà chúng ta đã đổ biết bao xương máu để tạo dựng nên.

Hàng triệu triệu người đã hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Vì thế, không dễ gì thay đổi thể chế này, không dễ gì bỏ đi sự lãnh đạo của Đảng. Đây là thời cơ để Đảng đổi mới và lắng nghe dân, thực hiện tinh thần dân chủ.

Ông có nhận xét gì về cách thức và thời điểm thông qua Hiến pháp?

Tôi cho là, sửa đổi Hiến pháp lần này phải làm thật kỹ, không nên bị ràng buộc bởi thời điểm để thông qua. Theo tôi, cuối năm 2013 thông qua Hiến pháp là quá sớm.

Tôi muốn nêu một vấn đề mà chưa ai đề cập. Đó là mối quan hệ của hai văn kiện quan trọng là Hiến pháp của đất nước và Cương lĩnh của Đảng. Hai văn kiện này gắn bó với nhau như bóng với hình, không thể tách rời được.

Năm 2010, khi triển khai việc nghiên cứu sửa đổi bổ sung Cương lĩnh của Đảng để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vào đầu năm 2011, tôi đã nêu ý kiến: Đề nghị cho đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 vào thời điểm này để bổ trợ cho nhau, tạo sự thống nhất giữa hai văn kiện. Ý kiến của tôi không được chấp nhận.

Đến nay, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã xuất hiện những dấu son, như ở Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25): “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Điều 54 trong Dự thảo nêu trên thể hiện một tư duy mới rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nội dung này lại chưa phù hợp với Cương lĩnh đã được Đại hội XI thông qua.

Tôi chỉ nêu một ví dụ, sẽ còn một số vấn đề quan trọng khác cũng nằm trong trường hợp tương tự. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, nên tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung của Hiến pháp và Cương lĩnh cho phù hợp với nhau và cũng là phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đó xét tới thời điểm thông qua Hiến pháp mới, không thể trước năm 2015.

Đây là vấn đề rất mới, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu. Làm được như thế, trí tuệ của Đảng ta được kết hợp với trí tuệ của toàn dân thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư