Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mang về 26,4 tỷ USD: Xuất khẩu nông sản đang phục hồi tốt, trừ gạo
T.L - 28/10/2016 15:38
 
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chính đều tăng trưởng tốt, riêng xuất khẩu gạo vẫn suy giảm.

Trong số các mặt hàng nông lâm thủy hải sản xuất khẩu đầu năm nay, có tới 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: Gạo, cà phê,cao su, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả.

Đáng lưu ý, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục suy giảm khá mạnh. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 368 nghìn tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu là suy giảm của thị trường Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta.

Hiện Trung Quốc đang chiếm 35,4% thị phần gạo xuất khẩu Việt Nam (9 tháng đạt 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015). Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 11% thị phần, 9 tháng đạt 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý là thị trường Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,4 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường Angola tăng gấp 4,4 lần về khối lượng và gấp 3,5 lần về giá trị. Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippin (47,8%), Malaysia (47,4%), Singapore (34,6%), Hoa Kỳ (32%), Bờ Biển Ngà (25,2%) và Hồng Kông (11,4%)

Xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm cũng phục hồi khá, đạt 1,5 triệu tấn và 2,76 tỷ USD, tăng 40,2% về khối lượng và tăng 25,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2016 đạt 1.795 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với thị phần lần lượt là 15,2% và 13,2%.

Giá trị xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ thị trường Tây Ban Nha và Bỉ có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm lần lượt là 4,6% và 1,3%. Chín tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh là Philippin (74,3%), Angiêri (59,7%), Trung Quốc (56,3%), Hoa Kỳ (45,3%), Đức (37,4%), Italia (17,9%) và Nhật Bản (15,4%).

Xuất khẩu cao su 10 tháng đầu năm ước đạt 1 triệu tấn và 1,28 tỷ USD, tăng 15,8% về khối lượng và tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2016 đạt 1.258 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, chiếm 65,5% thị phần. Chín tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 20,3% và 14,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều 10 tháng đầu năm cũng đạt  2,33 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 33,9%, 13,8% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Xuất khẩu hạt tiêu 10 tháng ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 35,7% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2016 đạt 8.132 USD/tấn, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ và Đức với 42,2% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Philippin (gấp 3,3 lần), Pakixtan (gấp 3,4 lần), Hoa Kỳ (36,7%), Ai Cập (18,2%), Tây Ban Nha (14,8%) và Ấn Độ (tăng 13,6%).

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hầu như đứng im:  10 tháng đầu năm 2016 đạt 5,54 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 - chiếm 68,9% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Vượt qua khó khăn đầu năm, thủy sản xuất khẩu tháng 10 năm 2016 ước đạt 687 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (51,1%), Hà Lan (14,4%), Hoa Kỳ (14,3%) và Thái Lan (10,8%).

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp với kim ngạch 10 tháng đầu năm nay đã vượt qua lúa gạo, dự báo  năm 2016, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên vượt qua xuất khẩu gạo, đem về kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD.

Thu 1,9 tỷ USD từ xuất khẩu gạo
Giá trị thu về từ xuất khẩu gạo trong 10 tháng 2016 đạt 1,9 tỷ USD. So với cùng kỳ 2015 thì kết quả xuất khẩu gạo đã giảm 21,2% về lượng, và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư