Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Mặt bằng lãi suất khó đứng yên
Vân Linh thực hiện - 04/05/2022 08:01
 
Lãi suất đã chạm đáy và khó có thể đứng yên trước áp lực lạm phát cũng như hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng thêm 0,5% lãi suất USD thời gian tới.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về xu hướng lãi suất thời gian tới.

Nhận định của ông về xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong thời gian tới?

Trên thực tế, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Lãi suất tiền gửi đã giảm quá sâu, trong khi các kênh đầu tư khác cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn (chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số…) khiến nguồn tiền tiết kiệm khó tránh được việc chuyển hướng sang các kênh này, thay vì chảy vào ngân hàng. Điều này cũng được thể hiện qua con số tăng trưởng tiền gửi từ dân cư vào hệ thống ngân hàng giảm nhiều trong năm 2021, tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19.

Lãi suất huy động tiền đồng ở mức thấp cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến lượng tiền gửi dân cư chảy vào các nhà băng sụt giảm. Nhưng tỷ lệ tiết kiệm tiền gửi từ khu vực dân cư đang dần được cải thiện và khả năng sẽ tăng trong 3 quý còn lại của năm 2022, với mức tăng dự báo khoảng 0,2 - 0,25% dành cho lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Thậm chí, lãi suất ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt ở các kỳ hạn dài sẽ tăng cao hơn nhiều.

So với chỉ số lạm phát, người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương, thưa ông?

Lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp 3,5-4%, nên người gửi tiền tiết kiệm, với lãi suất 5-6,5% cho kỳ hạn dài được hưởng lãi suất thực dương. Còn đối với kỳ hạn ngắn từ 5 tháng trở xuống, hiện các ngân hàng cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 3-3,9%/năm.

Lạm phát năm nay được giới chuyên môn khuyến cáo không nên chủ quan, nhất là đối với lạm phát do nhập khẩu (khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng thì giá bán sản phẩm đó trong nước sẽ phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát). Vì thế, các nhà băng đã phải tăng lãi suất để hút tiền nhàn rỗi. Theo quan sát của tôi, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng trong 3 tháng trở lại đây được nâng lên đáng kể.

Theo ông, Fed tăng lãi suất USD trong tháng 3 và dự kiến tăng thêm 0,5% trong tháng 5/2022 liệu có tác động lên mặt bằng lãi suất tiền đồng, tỷ giá trong nước?

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong việc giảm lạm phát và cho biết mức tăng lãi suất cao hơn thường lệ có thể xảy ra ngay trong tháng sau. Tuyên bố được ông Powell đưa ra trong phiên thảo luận do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức vào sáng 21/4 và cho biết, việc tăng lãi suất nhanh hơn đôi chút là phù hợp với tình hình hiện tại.

Mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ được Fed xem xét trong phiên họp vào tháng 5 tới. Mục tiêu của Fed là sử dụng các công cụ của mình để đưa nhu cầu và nguồn cung trở lại đồng bộ, để giảm lạm phát và làm như vậy mà không dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế.

Việc Fed tăng lãi suất tuy không có tác động mạnh, nhưng cũng khó có thể tránh ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất tiền đồng. Với lãi suất USD, hiện ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì mức 0%. Còn với tỷ giá trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn điều hành, kiểm soát tỷ giá linh hoạt. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào, nên khả năng tỷ giá tiền đồng chỉ tăng nhẹ trong những tháng còn lại của năm tài chính 2022. 

Áp lực lên lãi suất cho vay khi chi phí đầu vào tăng là điều khó tránh, thưa ông?

Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh bị kéo theo. Nhưng khả năng lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh, do NHNN đang thực hiện tốt việc kiểm soát lãi vay. Chủ trương của NHNN là yêu cầu các ngân hàng cố gắng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Chính sách tiền tệ thời gian qua đã kịp thời đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch. Kể từ khi đại dịch xảy ra, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trên dưới 2% so với trước khi dịch xảy ra. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19.

NHNN cũng đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch đến tháng 6/2022. Điều này cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao.

Cầu vốn khách hàng tăng trở lại sau dịch, theo ông liệu có tăng cao trong thời gian tới?

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài và mở cửa thị trường, nhu cầu vốn của khách hàng có tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng dịp Tết, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, vận chuyển, du lịch...

Tín dụng đã tăng trưởng tích cực 3 tháng đầu năm khi tăng trưởng dư nợ nền kinh tế tăng 5,04% và dự báo còn tăng mạnh trong các quý còn lại của năm, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm trong quý IV. Đặc biệt, năm nay khi dịch bệnh dần được kiểm soát, không còn phong tỏa, kinh tế tăng trưởng trở lại, sẽ là điều kiện tích cực cho hoạt động tín dụng. Nhiều nhà băng đã đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng trong năm 2022, dự báo tăng trưởng tín dụng trung bình trong năm nay khoảng 14%...

Đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng là phải có kế hoạch tăng cường, chuẩn bị tốt thanh khoản ngay từ lúc này. Và như vậy, cuộc đua lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp diễn.

Sức nóng lãi suất bắt đầu lan tỏa
Trước áp lực tăng chi phí vốn, nhiều ngân hàng tính tới phương án huy động vốn ngoại, chạy đua cạnh tranh thu hút tiền gửi không kỳ hạn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư