Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Mất niềm tin của công chúng, nhà báo không thể tồn tại
Thùy Liên - 21/06/2014 08:34
 
() Hình ảnh về những nhà báo tác nghiệp trên Biển Đông gần đây cho thấy, nghề báo là nghề đáng tôn vinh, song cũng rất nguy hiểm. Không chỉ có vậy, nhà báo còn phải đứng vững trước những cám dỗ của cuộc sống, nếu vì lợi ích trước mắt mà đánh mất niềm tin của công chúng, nhà báo không thể tồn tại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Đề tài” duy nhất của Nhà báo Hồ Chí Minh
Bầu Kiên, mùi tiền và báo chí
Tiết lộ clip tàu Trung Quốc tàn bạo đâm chìm tàu cá Việt Nam
Tường thuật của phóng viên CNN ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Nhiệm, Chủ nhiệm Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vai trò của báo chí cũng như những đổi mới trong công tác đào tạo báo chí.

  TS. Nguyễn Trí Nhiệm, Chủ nhiệm Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí - Tuyên truyền)  
  TS. Nguyễn Trí Nhiệm, Chủ nhiệm Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí - Tuyên truyền)  

Ông đánh giá thế nào về phản ứng của báo chí Việt Nam đối với sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Ngay từ khi xảy ra sự việc, tôi thường xuyên theo dõi tin tức trên báo chí.

Theo tôi, những thông tin báo chí đăng tải thời gian qua đã phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng bản chất của sự việc. Những hình ảnh trực tiếp của nhà báo trực tiếp dấn thân tại hiện trường nóng bỏng là minh chứng không thể chối cãi về hành động phi pháp, phi nhân tính của giới cầm quyền Trung Quốc.

Không chỉ giúp độc giả hiểu đúng bản chất của sự việc, báo chí còn thể hiện được dũng khí, triết lý sống và lòng yêu chuộng hòa bình, công lý của dân tộc Việt Nam, trở thành vũ khí để tập hợp những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.

Để có những hình ảnh, những thông tin trung thực và nóng hổi nhất cho nhân dân trong nước và bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới, các nhà báo đã phải đối mặt với không ít nguy hiểm. Theo ông, để tác nghiệp trong những sự kiện nóng, nhà báo cần những tố chất gì?

Nhiều người nghĩ, nghề báo là nghề nhàn hạ và được xã hội tôn vinh. Nhưng họ không biết rằng, nghề báo là nghề nguy hiểm, đầy gian nan, thử thách. Trong nhiều trường hợp, họ cũng giống như những người lính cầm súng xung phong ra mặt trận, phải chấp nhận nguy hiểm, khó khăn.

Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, ngoài yêu cầu phải có nền tảng kiến thức vững vàng và sự tinh thông nghề nghiệp, mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu nước và tình yêu cái “thiện” cháy bỏng. Đồng thời, phải dũng cảm, chấp nhận hy sinh. Có như vậy, nhà báo mới vừa phản ánh chính xác, nhanh nhạy, đồng thời có khả năng khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều nhà báo đua chạy theo thông tin mà nhiều khi coi nhẹ yếu tố đạo đức và chính trị. Liệu đây có phải lỗi của nhà trường?

Triết lý của giáo dục là đào tạo con người một cách toàn diện cả về trình độ, kiến thức, lẫn nhân cách đạo đức, lối sống. Vì thế, trong quá trình đào tạo, chúng tôi thường xuyên giáo dục sinh viên về đạo đức, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội.

Tất nhiên, nhà trường đào tạo là như vậy, nhưng khi ra đời, mỗi nhà báo chịu nhiều tác động bởi môi trường. Thực tế thời gian qua, những nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp không phải là những nhà báo mới ra trường, cuộc sống khó khăn, mà hầu hết là các nhà báo đã có nhiều kinh nghiệm.

Về vấn đề này, thiết nghĩ, vai trò của cơ quan báo chí, hội nhà báo cũng cực kỳ quan trọng. Tôi thử hỏi, chúng ta có Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; có 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, vậy bao nhiêu người làm báo nắm vững các những nội dung cơ bản này?

Thời đại toàn cầu hóa thông tin đòi hỏi nhà báo phải có rất nhiều kỹ năng. Vậy theo ông, công tác đào tạo phải đổi mới như thế nào để theo kịp yêu cầu của thực tiễn?

Nghề báo là nghề đặc thù, nên đào tạo nhà báo cũng mang tính đặc thù. Ngoài kiến thức cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp, người học cần được rèn luyện kỹ năng thực tế trong môi trường báo chí thực thụ.

Hiện nay, việc người học quá phụ thuộc vào các cơ quan báo chí để thực tập nghề nghiệp, theo tôi, là không hiệu quả. Người học phải được học nghề tại các cơ sở đào tạo như ở cơ quan báo chí, có thể tổ chức bộ máy cơ sở đào tạo như một tòa soạn thực thụ và cho phép các sản phẩm báo chí đó được xã hội hóa.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ gì với những người làm báo trên cả nước?

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) là ngày tôn vinh những người làm báo. Nhưng bao giờ vinh dự, tự hào cũng đi cùng trách nhiệm.

Bản thân tôi hy vọng, với sự lao động cần cù, nghiêm túc, chúng ta sẽ tạo nên những tác phẩm báo chí đáp ứng sự mong đợi của công chúng. Tôi cũng mong nhà báo không vì những lợi ích trước mắt mà đánh mất niềm tin của công chúng, bởi một khi đã đánh mất niềm tin của công chúng, thì chúng ta cũng không tồn tại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư