Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Mất trăm triệu đồng vì chốt đơn ảo online
Hà Tâm - 28/01/2022 08:26
 
Ham kiếm tiền online, vay tiền online dễ dàng trên mạng, không ít người đã mất hàng trăm triệu đồng vì dính bẫy lừa đảo.
Các hoạt động lừa đảo trên mạng được cảnh báo nhiều, song không ít người vẫn sập bẫy.

Bẫy lừa cộng tác viên chốt đơn ảo Shopee, Lazada…

Việc mạo danh nhân viên các công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online, chốt đơn ảo không còn là chiêu mới, song vẫn rất nhiều người sập bẫy.

Mới đây, khi đang lướt mạng xã hội, chị N.H. (Chung cư Nam Cường, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đọc được một đoạn quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội về việc chốt đơn hàng ảo cho Shoppee, hưởng hoa hồng 10% giá trị đơn.

Sau khi nhắn tin hỏi, chị H. được nick Zalo tên là Huỳnh Hoài Nam hướng dẫn. Người này yêu cầu chị H. điền tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để cấp mã cộng tác viên, sau đó gửi link các sản phẩm của Shoppee để thanh toán. Chị N.H. được hướng dẫn chuyển khoản đến tài khoản 66110002699891 của Lê Thanh Hoa (BIDV) thanh toán các đơn hàng để hoàn thành nhiệm vụ.

Hai nhiệm vụ đầu tiên, chị H. được giao thanh toán đơn hàng 450.000 đồng và 699.000 đồng. Sau mỗi lần thanh toán, chị lại được hoàn lại số tiền gốc cộng với hoa hồng 10%. Thấy nhiệm vụ dễ dàng, đơn giản, chị H. đồng ý nhận nhiệm vụ thứ 3: thanh toán trên 1,3 triệu đồng, đối tượng cho biết, lần này cứ hoàn thành xong 2 nhiệm vụ, thì công ty mới hoàn tiền một lần.

Sau khi thanh toán nhiệm vụ lần 3, chị được đối tượng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thứ 4: một đơn hàng 2,6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chuyển khoản đơn hàng này, chị H. không được hoàn tiền, mà bị đối tượng Huỳnh Hoài Nam yêu cầu thanh toán một đơn hàng trị giá hơn 2,6 triệu đồng nữa và cho biết, nhiệm vụ lần 4 này phải thanh toán 3 đơn hàng mới hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc này chị H. mới sực tỉnh, biết mình bị lừa và yêu cầu đối tượng trả tiền, thì ngay lập tức, đối tượng chặn tin nhắn Zalo, không thể liên lạc.

Tương tự, tuần qua, chị H.T. (Chung cư Golden, An Khánh, Hà Nội) cũng sập bẫy lừa page MyJob Huấn luyện nhân sự với chiêu tương tự. Sau khi nhắn tin cho page này, chị H.T. được hướng dẫn liên hệ qua Zalo với số điện thoại 0921262174 của một người tên là Kim Oanh.

Để tăng độ tin cậy, Oanh còn cung cấp căn cước công dân mang tên Trần Thị Kim Oanh (quê quán Gio Linh, Quảng Trị), đồng thời cung cấp địa chỉ và mã số thuế công ty cho chị H.T. (là địa chỉ của Shoppee thật).

Sau đó, Oanh cung cấp cho chị H.T. đường link một sản phẩm trên Shoppee và yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản 0431006475068 Ngân hàng ABBank của Nguyễn Hồng Sơn. Tuy nhiên, cũng như chị N.H., sau 2 lần đầu hoàn thành nhiệm vụ và được hoàn tiền, đến các nhiệm vụ sau, với số tiền thanh toán lên tới hơn 20 triệu đồng (thanh toán Iphone), chị H.T. đã bị đối tượng chặn tin nhắn.

Hiện tại, page MyJob Huấn luyện nhân sự vẫn ngang nhiên quảng cáo, hòng lừa đảo thêm các nạn nhân mới. Do bị chặn tin nhắn, nên các nạn nhân không thể bình luận để cảnh báo người khác.

Thủ đoạn trên đã được Công an Hà Nội và công an nhiều địa phương cảnh báo, song vẫn rất nhiều nạn nhân sập bẫy, nhất là những người trẻ hoặc những phụ nữ nuôi con nhỏ không còn việc làm, có nhu cầu bán hàng hoặc tìm việc online để tăng thu nhập.

Ngân hàng cảnh báo, nhiều người vẫn dính bẫy

Một chiêu lừa đảo cuối năm nữa khá phổ biến là vay tiền trên mạng. Mới đây, anh Hoàng Xuân T. (làm việc tại KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh) cho hay, do cần cần gấp tiền trả nợ cuối năm, lại đọc thấy quảng cáo của một nick cho vay lãi suất rẻ trên mạng (0,7%/tháng), anh T. đã liên hệ với nick này để vay số tiền 40 triệu đồng.

Việc mạo danh nhân viên các công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin tìm cộng tác viên bán hàng online, chốt đơn ảo không còn là chiêu mới, song vẫn rất nhiều người sập bẫy.

Sau đó, đối tượng hướng dẫn anh T. tải ứng dụng, mở tài khoản và chuyển cho đối tượng 5 triệu đồng để hoàn tất thủ tục giải ngân. Tiếp đến, đối tượng liên tục báo anh bị lỗi sai số tài khoản, sai nội dung chuyển khoản, ngân hàng bị dính nghi án rửa tiền cần nộp tăng số tiền bảo lãnh để làm sạch giao dịch… Vì tiếc số tiền đã đóng cho đối tượng, anh cứ như bị u mê làm theo hướng dẫn, cuối cùng bị mất tới 130 triệu đồng.

Ngoài các thủ đoạn trên, cận Tết, rất nhiều thủ đoạn lừa đảo xuất hiện như giả danh nhân viên ngân hàng, cơ quan an ninh, giả danh các hãng viễn thông đề nghị nâng cấp dịch vụ 5G để yêu cầu cung cấp mã OTP, chiếm đoạt tài khoản.

Hồi giữa tháng 1/2022, VPBank cũng cảnh báo khách hàng về thủ đoạn thủ đoạn lừa đảo nâng cấp sim điện thoại và chiếm quyền sử dụng sim để nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng có dấu hiệu tăng trở lại.

VPBank khuyến cáo khách hàng không được cung cấp thông tin bảo mật (mật khẩu, mã OTP) cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng.

Cũng đầu tháng này, Agribank vừa tiếp tục cảnh báo tới khách hàng các chiêu thức lừa đảo. Theo Agribank, dịp cuối năm, khi nhu cầu tài chính của người dân gia tăng, các đối tượng lừa đảo đã liên tục sử dụng các hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Theo đó, ngoài các hình thức lừa đảo phổ biến, còn xuất hiện các hình thức lừa đảo mới, như mạo danh thương hiệu ngân hàng để nhắn link giả mạo; lợi dụng việc xác mình thông tin liên quan đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để đánh cắp thông tin…

Do đó, Agribank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không thực hiện các thao tác làm theo hướng dẫn do các số điện thoại lạ gọi đến…

Thu hồi 1,1 triệu SIM, chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo
Năm 2021, gần 1,1 triệu SIM thông tin thuê bao không đúng quy định bị thu hồi, chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, xử lý 227.000 thuê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư