Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
May Sông Hồng: Lợi nhuận 2020 "bốc hơi" 60% vì dịch bệnh
Thế Hải - 24/12/2020 11:34
 
Dự kiến, doanh thu năm 2020 của May Sông Hồng chỉ còn 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận giảm 60% so với 2019, còn khoảng 220 tỷ do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Dự kiến, doanh thu năm nay chỉ còn gần 4000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận sẽ chỉ còn khoảng 220 tỷ, giảm trên 60% so với năm trước
Dự kiến, doanh thu 2020 của MSH chỉ đạt gần 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận 220 tỷ, giảm trên 60% so với năm 2019.

2020 là một năm quá buồn với nhiều ngành xuất khẩu lớn, trong đó, dệt may bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến chỉ còn trên 35,2 tỷ USD, thay vì mục tiêu đề ra từ đầu năm là 40-42 tỷ USD.

Trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng không đứng ngoài tác động tiêu cực đó, khi nhiều DN rơi vào cảnh sụt giảm thê thảm doanh thu và lợi nhuận.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh u ám của năm 2020, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng (Mã Ck: MSH) cho biết, nếu dịch bệnh không xảy ra, DN có thể cán đích doanh thu 5.000 tỷ đồng và khoảng 600 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay. Nhưng dịch bệnh xảy đến đã xóa đi tất cả những kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt đẹp đó.

"U ám nhất là thời điểm, RTW Retalwinds Inc (Công ty mẹ của New York & Company ) - Tập đoàn thời trang nổi tiếng Hoa Kỳ, nơi mà chúng tôi đã hợp tác với họ trên 16 năm nay với khoảng 30 triệu USD kim xuất khẩu mỗi năm nộp đơn xin phá sản, khi mà MSH còn tới khoảng 220 tỷ đồng ở nước ngoài chưa kịp thu về", ông Thịnh nói.

Xuất khẩu sụt giảm, đối tác lớn phá sản, song, khi bình tâm lại, ông Thịnh cho biết, hàng loạt mệnh lệnh khẩn cấp được phát đi trong toàn Công ty với trọng tâm "phải tập trung cứu Công nhân trước, bởi còn họ thì Nhà máy còn, mất họ thì sẽ mất tất cả", huy động Quỹ dự phòng tài chính và vốn chủ của Công ty trên 1.300 tỷ đồng, đều được kích hoạt và sẵn sàng ở mức tối đa để ứng phó với các tình huống xấu nhất, tiến hành cơ cấu các khách hàng và đơn hàng FOB và CM...Nhờ đó, tình hình đã dần được kiểm soát tốt hơn.

Cùng đó, Ban lãnh đạo MSH họp khẩn cấp để đánh giá lại toàn bộ tình hình thị trường và khách hàng, hình thành ngay Ban kiểm soát công nợ để, liên tục hối thúc các đối tác trả tiền. May thay, tất cả các khu vực của chúng tôi, chưa nơi nào phải ngừng việc đến đơn vị tuần mà chỉ lác đác ít ngày.

Tuy nhiên, một số Phòng / Ban chức năng chuyên phục vụ làm hàng FOB đã phải thay nhau nghỉ vì các đơn hàng bị thu hẹp lại. Toàn bộ cán bộ, nhân viên khối phục vụ từ cấp Công ty đến các khu vực, các xưởng sản xuất đều tự nguyện giảm bớt tiền lương hàng tháng từ 7-10-15-20-25%, thậm chí có người giảm tới 30% để chia sẻ khó khăn với Công ty. 

Nhưng, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đã không thể ngăn chặn được. Theo báo cáo của MSH, doanh thu, lợi nhuận năm 2020 đều bị giảm sút vì phải trích tới trên 160 tỷ đồng để đưa vào quỹ dự phòng rủi ro.

Dự kiến, doanh thu năm nay của MSH chỉ còn gần 4.000 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; lợi nhuận sẽ chỉ còn khoảng 220 tỷ, giảm trên 60% so với năm trước.

Những tháng cuối năm, tình hình sản xuất kinh doanh đã tích cực hơn nhờ việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, các đối tác quay lại đặt hàng.

Theo đó, với MSH, nhịp sống và làm việc của Công ty đã trở lại bình thường, đồng thời tiếp tục tuyển dụng lao động và xây dựng thêm cơ sở sản xuất mới. Theo thông tin từ Ban lãnh đạo MSH, tuy khó khăn còn rất nhiều, nhưng Công ty vẫn sẽ để công nhân nhận được đủ hai tháng lương 13, 14 và quà thưởng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch 2021.




Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư