Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
"Mày trúng đạn vào ngực, chúng tao chôn mày sau tảng đá, nhớ không..."
Hoàng Lam (Dân Trí) - 27/07/2017 07:51
 
Cùng lớp lớp thanh niên Việt Nam, người lính trẻ Nguyễn Đức Thông chiến đấu và ngã xuống. Rất nhiều năm sau, anh trở về đất mẹ với dòng tên “Liệt sỹ chưa biết tên”. Năm 2016, tấm bia mộ mang tên anh mới được gắn nơi anh yên nghỉ giữa Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào.
Thân nhân liệt sỹ Nguyễn Đức Thông thắp hương tại phần mộ trong Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An)
Thân nhân liệt sỹ Nguyễn Đức Thông thắp hương tại phần mộ trong Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An)

Anh về đây rồi, đồng đội còn nằm nơi đâu?

Tháng 7, nghĩa trang quốc tế Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) ngạt ngào trong khói hương. Gần 11.000 người lính đã được quy tập về đây, rất nhiều ngôi mộ vẫn buốt nhói dòng chữ “Liệt sỹ chưa biết tên”.

Giữa những hàng mộ chưa biết tên ấy, thỉnh thoảng mới bắt gặp ngôi mộ có gắn bia mộ đầy đủ danh tính, nhiều bia mộ dường như mới chỉ được gắn lên.

Từ xã Phù Lộc, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Khánh Minh (SN 1947) cùng người thân vượt hơn 500 cây số vào đây thăm và thắp hương cho anh trai, liệt sỹ Nguyễn Đức Thông (SN 1945). Bày biện hoa quả, hương vàng lên phần mộ, bà Minh thì thầm: “Anh ơi, nhãn quê mình, thanh long, lê đều trong vườn nhà mình đấy. Chúng em lại vào thăm anh đây…”. Nước mắt bà tràn khóe mắt.

Châm điếu thuốc cắm lên bình hương, người cựu binh Trương Quang Liễu (trú xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) rưng rưng: “Đồng đội ơi, mày về đây rồi. Chính tao là người chôn mày. Mày trúng đạn vào ngực, chúng tao chôn mày sau tảng đá nhớ không. Chiến trận, cứ kéo nhau đi. Hết chiến tranh đứa còn đứa mất, chúng tao không đi tìm mày được. Giờ mày về đây rồi, hút với tao điếu thuốc, uống với tao chén rượu này…”.

Cựu chiến binh Trương Quang Liễu bên phần mộ của người Chính trị viên trưởng Nguyễn Đức Thông
Cựu chiến binh Trương Quang Liễu bên phần mộ của người Chính trị viên trưởng Nguyễn Đức Thông

Năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thông lên đường nhập ngũ. Từ Hà Giang, chiến sỹ Nguyễn Đức Thông được bổ sung cho Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 866, Sư đoàn 31, chiến đấu tại tỉnh Xiêng Khoảng, Lào.

Trong khói hương bảng lảng, cựu chiến binh Trương Quang Liễu nhớ lại: Trong trận chiến ngày Mùng 5 Tết 1972, mũi của tôi có 5 người, đồng chí Thông khi đó là Chính trị viên trưởng trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Thông trúng đạn, hi sinh. Chúng tôi đưa thi thể đồng chí Thông vào dấu sau 1 tảng đá lớn, dùng vải dù và lá cây ngụy trang rồi tiếp tục chiến đấu. Trận đánh kết thúc, liệt sỹ Nguyễn Đức Thông được đơn vị an táng và truy điệu trọng thể.

“Năm 1972, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh Thông. Bố tôi vì đau buồn quá mà sinh bệnh rồi mất sau đó không lâu. Năm 2013, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đến nhà lấy mẫu máu của các thành viên đi giám định ADN.

Trong gần 11.000 liệt sỹ được quy tập về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào có tới gần 7.000 ngôi mộ chưa xác định được danh tính cụ thể
Trong gần 11.000 liệt sỹ được quy tập về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào có tới gần 7.000 ngôi mộ chưa xác định được danh tính cụ thể

Tháng 7/2016, chúng tôi nhận được thông tin hài cốt được quy tập về Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào chính là liệt sỹ Nguyễn Đức Thông – người anh trai mà gia đình đã tìm kiếm suốt mấy chục năm qua. Lúc đó, mẹ tôi đã 97 tuổi. Nghe chị em tôi thông báo lại, mẹ tôi chỉ nở một nụ cười, bao nhiêu năm anh đi xa, nay đã trở về với Tổ quốc. Tháng 4/2017, mẹ tôi qua đời, vẫn canh cánh ước nguyện đưa anh tôi về với bố, với ông bà, tổ tiên”, bà Minh như nghẹn lại.

Xung quanh chỗ liệt sỹ Nguyễn Đức Thông yên nghỉ, rất nhiều, rất nhiều phần mộ liệt sỹ vẫn chưa xác định được danh tính. Các anh nằm đó, cùng đồng đội, nghe nắng, nghe gió hát mãi khúc quân hành…

Một cựu chiến binh đi tìm đồng đội của mình tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào
Một cựu chiến binh đi tìm đồng đội của mình tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào

Ở quê nhà, những người mẹ còm cõi vẫn tựa cửa chờ con, những người vợ vẫn khắc khoải chờ chồng, những đứa con mong một lần được ôm cha, dẫu hình hài tráng kiện năm xưa chỉ còn là một nắm xương hay dúm đất nơi anh nằm lại…

Những hàng mộ ngay hàng thẳng lối, như hàng quân ra trận năm xưa, nay lặng im trong khói hương tháng Bảy. Những người lính già đi từng hàng mộ như tìm kiếm một cái tên quen thuộc. Thắp nén hương thơm, họ rì rầm: “Đồng đội ơi, còn nằm nơi đâu…?”. Hương khói vẫn bay lên trong tiếng chuông thỉnh giữa trời chiều xanh thẳm.

Những cựu chiến binh Tiểu đoàn 43 viếng các đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào
Những cựu chiến binh Tiểu đoàn 43 viếng các đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào

“Mất đi một người thân là điều đau đớn nhưng cũng rất tự hào bởi anh tôi và các đồng đội đã ngã xuống cho độc lập, tự do. Chúng tôi may mắn hơn thân nhân các liệt sỹ khác khi mỗi tháng Bảy hay ngày giỗ, Tết có thể thắp cho anh mình nén hương thơm trước phần mộ.

Tôi mong Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ về các nghĩa trang; đẩy mạnh việc giám định AND để sớm xác định được danh tính của các liệt sỹ, để không còn phần mộ nào phải gắn bia “Liệt sỹ chưa biết tên”, bà Minh tâm sự.

69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Bản hùng ca dọc chiều biên giới
Đi dọc chiều dài biên cương, mỗi lần chạm tay vào từng cột mốc biên giới là một lần trong tôi lại trào dâng cảm xúc mãnh liệt về giá trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư